Thông tin báo chí với trách nhiệm xã hội
Tiến sĩ Vũ Thanh Vân (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, báo chí kiến tạo là trường phái báo chí nhấn mạnh trách nhiệm và vai trò tích cực của báo chí trong việc xây dựng xã hội lành mạnh. Khi ngày càng nhiều vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội nảy sinh, vai trò tích cực của báo chí càng được coi trọng.
Nếu báo chí tô đậm những vấn đề tiêu cực với mục đích cung cấp thông tin giật gân, câu khách thì càng làm xã hội trở nên rối ren, phức tạp hơn. Báo chí có quyền và có trách nhiệm đấu tranh với tiêu cực, nhưng cần trả lời nghiêm túc các câu hỏi: Báo chí đấu tranh vì mục tiêu tối hậu nào? Đấu tranh vì lợi ích của ai? Đấu tranh như thế nào? Việc trả lời các câu hỏi này sẽ quyết định tính chất kiến tạo, tích cực của báo chí.
Nếu báo chí tô đậm những vấn đề tiêu cực với mục đích cung cấp thông tin giật gân, câu khách thì càng làm xã hội trở nên rối ren, phức tạp hơn.
Tham luận của Báo Kinh tế và Đô thị tại hội thảo nêu rõ, giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, đất nước trong cuộc thử thách gian nan. Khi đó, các thế lực thù địch nhân cơ hội tiếp tục các chiến dịch chống phá quyết liệt trên mặt trận truyền thông, không gian mạng. Họ đẩy mạnh các hoạt động công kích, xuyên tạc, bôi đen bức tranh đất nước, gây hoang mang dư luận, chống phá sự lãnh đạo của Đảng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
Tuy nhiên, nếu lạm dụng hoặc thực hiện sự phê phán thiếu tính chất xây dựng thì có thể khiến bức tranh xã hội trở nên u ám, giảm niềm tin của công chúng. Vì vậy, bên cạnh các hoạt động phản ánh, phê phán, đấu tranh, báo chí còn thực hiện vai trò hiến kế, đề xuất các giải pháp, biện pháp thực hiện thay vì chỉ nêu lên để rồi bỏ lửng. Điều này có nghĩa báo chí thể hiện vai trò tích cực, trách nhiệm của xã hội.
Cơ quan báo chí, người làm báo đồng hành với chính quyền, doanh nghiệp, người dân… trong việc tìm kiếm các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề đang đặt ra của xã hội; khi phản ánh hay phê phán, báo chí nên đặt ra trách nhiệm của mình tham gia vào giải quyết hoặc đề xuất giải pháp để giải quyết vấn đề đó; vận động, kêu gọi công chúng báo chí nói riêng và toàn xã hội nói chung tham gia vào về việc đề xuất các giải pháp đối với những vấn đề cụ thể; báo chí trực tiếp thực hiện các giải pháp đối với một số vấn đề phù hợp với năng lực, điều kiện của mình…
Hiện có tình trạng một số cơ quan truyền thông thường chạy theo mạng xã hội đưa những thông tin trong lĩnh vực pháp luật, với những tình tiết giật gân nhằm thu hút người đọc. Nhưng Báo Kinh tế và Đô thị không chạy theo, trước những thông tin thường phải tiến hành thẩm định tính chân thực rồi từ đó phân tích sự việc dưới góc độ khoa học pháp lý. Những bài viết làm theo cách này có hàm lượng pháp lý cao, tác dụng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả và thu hút được đông đảo bạn đọc vì độ uy tín của thông tin.
Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp
Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết: Thông tin từ báo chí rất cần thiết, với người dân và đặc biệt với doanh nghiệp. Những kết quả khảo sát của VCCI nhiều năm gần đây cho thấy doanh nghiệp biết đến chính sách, pháp luật của nhà nước, doanh nghiệp hiểu về các hiệp định thương mại… phần lớn đến từ các cơ quan báo chí.
Hằng ngày, hằng giờ có rất nhiều bản tin, bài báo đăng tải, viết về pháp luật và chính sách. Rõ ràng báo chí giúp rút ngắn khoảng cách giữa nghị trường và người dân, là kênh dẫn chính sách vào cuộc sống. Ngược lại, các nhà hoạch định chính sách cũng biết đến dòng chảy thực tế cuộc sống qua báo chí. Đã có những bài báo có thể đánh động lên cả cấp cao nhất, làm thay đổi cả những chính sách lớn.
Những thông tin đăng tải từ báo chí không chỉ chuyển tải thông tin mà còn giúp khởi động các hành động chính sách từ các cơ quan nhà nước. Có rất nhiều thí dụ từ việc bãi bỏ nhiều giấy phép kinh doanh, điều kiện kinh doanh trong quá trình thực hiện Luật doanh nghiệp 1999 trước đây cho đến quá trình cải cách thủ tục hành chính, soạn thảo các nghị định về điều kiện kinh doanh gần đây, báo chí luôn đóng một vai trò quan trọng.
Những thông tin đăng tải từ báo chí không chỉ chuyển tải thông tin mà còn giúp khởi động các hành động chính sách từ các cơ quan nhà nước.
Báo chí có thể xem là diễn đàn cho những trao đổi nhiều chiều về các dự thảo chính sách, pháp luật giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và các giới, huy động trí tuệ của xã hội vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật kinh tế; Lấy ý kiến đối với các chính sách, pháp luật kinh tế không chỉ là việc tìm kiếm một vài ý kiến của một vài doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân đối với các dự thảo. Lấy ý kiến là hoạt động để đưa hơi thở cuộc sống vào chính sách, lập pháp, lập quy, là cách để nâng cao tri thức, tăng cường sự quan tâm của doanh nghiệp, người dân vào các chính sách, pháp luật và là sự chuẩn bị cho quá trình thực thi. Để làm được điều này, việc góp ý phải được thực hiện rộng rãi, nhiều chiều.
Khi đến được nhiều người, rõ ràng báo chí là công cụ hữu ích để tạo dư luận và sức ép để các cơ quan soạn thảo chính sách, pháp luật cẩn trọng và cầu thị trong tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp và cộng đồng, chuyển tải các ý kiến này vào nội dung các chính sách, pháp luật liên quan.
Nếu như tiếng nói hay đề nghị của một vài doanh nghiệp, một vài hiệp hội có thể dễ dàng bị bỏ qua thì các thảo luận rộng rãi về các dự thảo chính sách trên báo chí, dư luận xã hội được tạo thành từ các thông tin được cung cấp trên báo chí lại có một sức mạnh mà các cơ quan hoạch định chính sách buộc phải quan tâm. Điều này đã được chứng minh qua nhiều trường hợp gần đây, các quy định vô lý về điều kiện kinh doanh, nhiều nghị định, thông tư vừa ban hành đã bị rút lại hay đình hoãn vì sức ép từ dư luận, báo chí.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, mệnh đề “nếu như thông tin báo chí đăng tải là chính xác” được nhiều doanh nghiệp, nhà nghiên cứu hay cả quan chức Nhà nước dẫn ra khi họ nhận được yêu cầu bình luận về những vấn đề mà báo chí đăng tải, phản ánh. Đáng lo ngại, dường như mệnh đề này có xu hướng được sử dụng nhiều hơn theo thời gian.
Một số bài báo nhận định, phân tích về ngành hàng hay chính sách tại Việt Nam, tưởng như vô thưởng vô phạt, nhưng đăng tải không chính xác về sự việc và thiếu sự nhạy cảm cần thiết, dẫn tới những thông tin bất lợi cho doanh nghiệp và ngành hàng đó. Chẳng hạn một số vụ kiện phòng vệ thương mại mà hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt ở nước ngoài, có những trường hợp phía nước ngoài dựa trên chính những bài báo tại Việt Nam (về nguy cơ bị kiện chống bán phá giá, về các biện pháp hỗ trợ, trợ cấp của Nhà nước…) làm căn cứ, bằng chứng để kiện bên Việt Nam trong khi sự thật có thể không phải như vậy.
Đồng chí Đậu Anh Tuấn cho biết, bản thân từng “giật mình” khi một nhà đầu tư nước ngoài trong cuộc gặp gần đây hỏi thẳng thắn về việc “ông có thấy kinh doanh ở Việt Nam đang rủi ro và đắt đỏ hơn không vì… báo chí?”.
Thì ra, dưới con mắt của các nhà đầu tư, những vụ vội vàng đăng tải thông tin sai lệch về sản phẩm, dịch vụ khiến doanh nghiệp khốn đốn, thậm chí dễ dàng phá sản, những hành động “tống tiền” doanh nghiệp của một số phóng viên kém đạo đức của một số báo, sự yếu kém và chậm trễ của hệ thống tư pháp trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp… tất cả đều được tính toán là rủi ro và chi phí về đầu tư. Với những nhà đầu tư lớn và kỹ tính thì họ càng e ngại về rủi ro này ở Việt Nam hơn bao giờ hết.