Phát huy vai trò trưởng thôn, buôn và người có uy tín ở Tây Nguyên

Tây Nguyên có bốn tỉnh là Ðắk Lắk, Ðắk Nông, Gia Lai và Kon Tum có đường biên giới tiếp giáp với hai nước bạn Campuchia và Lào. Bằng sự nhiệt huyết, trách nhiệm, các trưởng thôn, buôn, già làng và người có uy tín nơi biên viễn tích cực phối hợp lực lượng Bộ đội Biên phòng triển khai nhiều cách làm thiết thực, góp phần giữ bình yên biên giới, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng khu vực biên giới phát triển toàn diện.
0:00 / 0:00
0:00
Già làng, người có uy tín xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Ðôn (Ðắk Lắk) lau chùi cột mốc chủ quyền biên giới quốc gia trên địa bàn.
Già làng, người có uy tín xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Ðôn (Ðắk Lắk) lau chùi cột mốc chủ quyền biên giới quốc gia trên địa bàn.

Những "cánh chim không mỏi"

Cuối tháng 2, những cánh rừng khộp ở vùng biên giới tỉnh Ðắk Lắk đang mùa thay lá, trở nên trơ trụi làm cho cái nắng, nóng của mùa khô Tây Nguyên thêm gay gắt. Thế nhưng, buổi tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc định kỳ của cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Sêrêpốk cùng cán bộ, nhân dân xã Krông Na, huyện Buôn Ðôn vẫn diễn ra như thường lệ.

Sau khi cùng nhân dân băng rừng khộp đến cột mốc chủ quyền quốc gia, Thiếu tá Phạm Văn Hiếu, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Sêrêpốk chia sẻ: "Ðồn có nhiệm vụ bảo vệ đường biên giới dài hơn 12 km thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Ðôn, địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc Ê Ðê và Mnông sinh sống. Những năm qua, thông qua công tác tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là các trưởng thôn, buôn, già làng và người có uy tín, đồng bào các dân tộc trong xã đã phối hợp tốt với cán bộ, chiến sĩ của đồn cùng tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. Mỗi dịp phối hợp tuần tra định kỳ hằng tháng, bà con đều tham gia đầy đủ, nghiêm túc, trách nhiệm".

Tham gia đoàn tuần tra, ông Y Khái Niê, người có uy tín ở buôn Ea Mar, xã Krông Na tâm sự: "Là người có uy tín của buôn nên mình phải có trách nhiệm vận động bà con tham gia cùng chính quyền và Bộ đội Biên phòng tuần tra, bảo vệ biên giới. Bao đời nay, cuộc sống của người dân xã biên giới Krông Na luôn gắn bó với Bộ đội Biên phòng cho nên mỗi người dân, nhất là lớp thanh niên bây giờ phải có trách nhiệm góp sức cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia".

Ở xã biên giới Ia Púch, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, bao năm qua, già làng Siu Phyin đã trở thành điểm tựa vững chắc cho đồng bào Gia Rai ở làng Gòong.

Già Siu Phyin không chỉ giúp dân hiểu đúng để không bị những kẻ xấu lợi dụng, xúi giục; xua đi những hủ tục lâu đời, mà còn là trung tâm hòa giải những mâu thuẫn trong làng. "Muốn nói để người dân nghe mình thì phải hiểu hoàn cảnh từng gia đình, hiểu tính từng người, biết họ cần gì, khéo léo động viên thì mới uốn nắn được tư tưởng của họ. Khi người dân hiểu đúng, hiểu đủ về pháp luật thì tình hình an ninh trật tự trong làng luôn ổn định", già Siu Phyin bộc bạch.

Ông Nguyễn Quang Trung, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia Púch cho biết, trong nhiều năm qua, trên địa bàn xã không có người dân tộc thiểu số nào bị kẻ xấu dụ dỗ vượt biên trái phép sang Campuchia hay tiếp tay cho bọn buôn lậu ma túy… Có được điều đó là nhờ một phần đóng góp công sức của già làng Siu Phyin.

Thượng tá Phạm Ðức Khá, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Cửa khẩu Ðắk Ruê đóng trên địa bàn xã Ea Bung, huyện Ea Súp cho biết, dù đời sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng các trưởng thôn, buôn, già làng, người có uy tín luôn nhiệt tình, trách nhiệm với công việc. Họ như những "cánh chim không mỏi" ngày đêm rong ruổi tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực biên giới tham gia đấu tranh với các loại tội phạm, tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc, góp phần củng cố nền biên phòng toàn dân vững chắc.

"Cánh tay nối dài" của Bộ đội Biên phòng

Khu vực biên giới của tỉnh Ðắk Lắk gồm bốn xã, 38 thôn, buôn thuộc hai huyện biên giới Buôn Ðôn và Ea Súp, với tổng số dân 6.720 hộ, 23.419 khẩu, gồm 26 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 39,3%. Còn khu vực biên giới tỉnh Gia Lai có 48 thôn, làng thuộc bảy xã của ba huyện là Ia Grai, Ðức Cơ, Chư Prông, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Bên cạnh những thuận lợi, đến nay khu vực biên giới của các tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, tình hình an ninh nông thôn, di cư tự phát, lấn chiếm, tranh chấp đất rừng vẫn còn diễn ra. Trình độ, nhận thức của nhân dân không đồng đều; các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ, nhất là trên không gian mạng, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân ở khu vực biên giới…

Ðể tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, Bộ đội Biên phòng tỉnh Ðắk Lắk và Gia Lai phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các huyện, xã biên giới, tranh thủ sự góp sức của đội ngũ trưởng thôn, buôn, già làng và người có uy tín để tuyên truyền, vận động nhân dân.

Nhờ đó đến nay, trên khu vực biên giới của tỉnh Ðắk Lắk đã thành lập được 45 tổ tự quản an ninh trật tự thôn, buôn, với 294 thành viên; 36 tổ tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc; 26 tập thể, 482 hộ và 1.559 cá nhân tự nguyện đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc và các công trình trên khu vực biên giới; 3.290 hộ gia đình tự nguyện ký cam kết đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Bung, huyện Ea Súp Phan Thanh Pha cho biết: "Trong nhiều năm qua, địa phương luôn phối hợp các Ðồn biên phòng, xã luôn ưu tiên phát huy vai trò của đội ngũ trưởng thôn, buôn, già làng, người có uy tín để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, giữ vững an ninh biên giới".

Ðại tá Ðỗ Quang Thấm, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ðắk Lắk và Thượng tá Rơ Mah Tuân, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đều khẳng định: Ðội ngũ trưởng thôn, buôn, già làng và người có uy tín chính là "cánh tay nối dài" của Bộ đội Biên phòng trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần thắt chặt đoàn kết quân-dân và cũng là cầu nối trong công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân...

Phần lớn các trưởng thôn, buôn, già làng và người có uy tín ở khu vực biên giới hiện nay hoàn cảnh kinh tế còn gặp khó khăn. Ðịa bàn biên giới lại rộng, địa hình phức tạp, dân cư sinh sống phân tán, giao thông đi lại khó khăn và nhiều thành phần dân tộc sinh sống… Nhưng với tinh thần trách nhiệm trước Tổ quốc và cấp ủy, chính quyền địa phương, họ luôn tích cực, nhiệt tình phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng ngày đêm bám địa bàn tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới vững chắc, giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống về mọi mặt.