Người dân tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội nhằm bảo đảm cho các chính sách được ban hành đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội và nguyện vọng chính đáng của người dân. Đây là quá trình tương tác hai chiều, nhằm khuyến khích và huy động trí tuệ, nhận thức của người dân vào xây dựng chính sách an sinh xã hội.
“Công dân có quyền được bảo đảm an sinh”
Bảo đảm an sinh xã hội luôn là một chủ trương, nhiệm vụ lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, ổn định kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Điều 34 Hiến pháp 2013 khẳng định: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội mà trụ cột là chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế-coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc các thời kỳ đều nhấn mạnh chủ trương, quan điểm phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tiến tới thực hiện mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, Đảng đã có nhiều Nghị quyết về lĩnh vực này, đặc biệt là trong giai đoạn gần đây, như: Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội giai đoạn 2012-2020, đã xác định những định những định hướng quan trọng mang tầm chiến lược về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, khẳng định rõ mục tiêu phát triển bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân... Đây là những định hướng quan trọng, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững hệ thống an sinh xã hội của nước ta.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng khẳng định, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có phần đóng góp rất quan trọng là sự tham gia của người dân vào xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Người dân tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện chính sách an sinh chính sách nhằm bảo đảm cho các chính sách được ban hành đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội và nguyện vọng chính đáng của người dân. Đây là quá trình tương tác hai chiều, nhằm khuyến khích và huy động trí tuệ, nhận thức của người dân vào xây dựng chính sách an sinh xã hội.
“Nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng chính sách an sinh xã hội, phản ánh chế độ dân chủ trong xã hội ở nước ta; cung cấp cho cơ quan hoạch định chính sách thông tin về những mong muốn, nguyện vọng của người dân, những ưu điểm và hạn chế của các chính sách an sinh xã hội hiện hành, trên cơ sở đó giúp các cơ quan quản lý nhà nước xác định chính xác hơn mục tiêu và các công cụ, giải pháp chính sách mới ban hành, góp phần đưa chính sách sát với thực tế, phù hợp hơn đối với các yêu cầu của xã hội và nâng cao chất lượng, hiệu quả chính sách”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết.
Cần có phương thức và giải pháp để mọi người dân tham gia...
Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, tổ chức liên quan đã trao đổi, thảo luận, đánh giá thực trạng sự tham gia của nhân dân vào việc xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội, trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng hiệu quả của việc phát huy vai trò của các tổ chức và nhân dân trong tham gia xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội ở nước ta, nhằm đưa hoạt động này đi vào thực chất hơn, với mục tiêu phát triển vì con người, lấy con người làm trung tâm, bảo đảm để mọi người dân có thể tiếp cận và thụ hưởng an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội...
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương cho rằng, để có một hệ thống an sinh xã hội đúng đắn, phù hợp, bền vững, thì một trong những yếu tố có tính quyết định đó là công tác dân vận cần phát huy vai trò nhân dân tham gia và thực hiện chính sách an sinh xã hội trong chiến lược phát triển...
Đồng thời, ngày càng phải có sự đổi mới về phương thức lãnh đạo của Đảng trong việc phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội; tăng cường sự chia sẻ trách nhiệm giữa nhà nước, doanh nghiệp, người dân, cộng đồng và các tổ chức xã hội, trong đó, Nhà nước là chủ thể chính với vai trò chủ đạo.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng phát huy vai trò nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam, đồng chí Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, những giải pháp quan trọng để phát huy sự tham gia tích cực của người dân vào quá trình này thì cần tiếp tục quán triệt và thể hiện an sinh xã hội là hướng tới mục tiêu phát triển vì con người, lấy con người làm trung tâm.
Cần có phương thức và giải pháp bảo đảm để mọi người dân có thể tham gia xây dựng, thực hiện, tiếp cận và thụ hưởng an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội và thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững; tiếp tục nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học đối với các vấn đề thực tiễn và những thách thức đối với an sinh xã hội trong giai đoạn 2021-2030. Từ đó, xây dựng hệ thống an sinh thích ứng và phù hợp tình hình mới; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội trong bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân; giám sát, phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách an sinh xã hội...
Những năm qua, việc triển khai những chính sách này đã có nhiều kết quả tích cực, nổi bật độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế liên tục tăng và mở rộng. Đến hết 31/12/2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội là hơn 16,547 triệu người, trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 15,097 triệu người (tăng gấp gần 6,6 lần so năm 1995); số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,45 triệu người (gấp 6,65 lần so năm 2015), đạt 2,96% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, vượt 1,96% chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết 28-NQ/TW. Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,837 triệu người (gấp 1,27 lần so năm 2015), đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số.