Phát huy vai trò “đầu tàu” trong giáo dục và đào tạo

Vùng đồng bằng sông Hồng là trung tâm hàng đầu về y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ của cả nước. Trong đó, giáo dục và đào tạo những năm qua luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ học của cô trò Trường THCS Bế Văn Đàn, Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh THÚY QUỲNH)
Giờ học của cô trò Trường THCS Bế Văn Đàn, Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh THÚY QUỲNH)

Với 11 tỉnh, thành phố, vùng đồng bằng sông Hồng có nhiều chỉ số chất lượng giáo dục và đào tạo cao, đáp ứng tốt nhu cầu học tập, đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Dẫn đầu nhiều chỉ số

Hiện nay, vùng đồng bằng sông Hồng có hệ thống trường, lớp học được củng cố, mở rộng và phân bố đều từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho trẻ trong độ tuổi được đến trường.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, vùng đồng bằng sông Hồng có 11.440 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được tăng cường theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa. Tỷ lệ kiên cố hóa đạt 96,9% (cao hơn 11,5% so với bình quân chung của cả nước).

Các trường học trong vùng có tổng số 10.887 phòng học bộ môn, đạt tỷ lệ 2,07 phòng/trường. Trong đó, riêng cấp tiểu học, để triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, các địa phương đã ưu tiên đầu tư bổ sung thêm 5.243 phòng học bộ môn Tin học và Ngoại ngữ, đạt tỷ lệ 2,21 phòng/trường.

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở mức cao gồm: Mầm non 65,47% (cao hơn 13,55% so với bình quân cả nước); tiểu học 86,67% (cao hơn 18,56% so với bình quân cả nước); THCS 79,68% (cao hơn 20,79% so với bình quân cả nước); THPT 42,62% (cao hơn 5,74% so với bình quân cả nước).

Công tác phổ cập giáo dục mầm non, phổ thông và xóa mù chữ được củng cố và nâng cao. Toàn vùng có 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học (trong đó có chín tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập tiểu học mức độ 3); 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Không chỉ nổi bật ở chất lượng giáo dục đại trà, vùng đồng bằng sông Hồng còn giàu truyền thống về giáo dục mũi nhọn và giáo dục năng khiếu. Tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2023, có 6/11 tỉnh, thành phố và Đại học Quốc gia Hà Nội trong vùng nằm trong tốp 10 địa phương, đơn vị có nhiều giải học sinh giỏi quốc gia và nhiều giải Nhất học sinh giỏi quốc gia nhất cả nước.

Năm 2022, toàn vùng có 18 học sinh đạt giải Olympic khu vực, quốc tế và kỳ thi khoa học kỹ thuật quốc tế (chiếm 54,5% tổng số thí sinh đoạt giải). Năm 2023, vùng đồng bằng sông Hồng tiếp tục có số học sinh được lựa chọn tham gia các đội tuyển dự thi Olympic quốc tế nhiều nhất cả nước.

Ngoài ra, vùng đồng bằng sông Hồng cũng là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước. Toàn vùng hiện có 109 cơ sở giáo dục đại học và gần 600 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Trong số 109 trường đại học, có 72 trường được công nhận đạt chuẩn kiểm định trong nước và quốc tế; 316 chương trình được đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước, 80 chương trình đào tạo được kiểm định bởi các tổ chức quốc tế; hơn 100 chương trình liên kết với nhiều quốc gia hàng đầu.

Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đạt được nhiều kết quả tích cực. Bình quân hằng năm, có hơn 100 nghìn sinh viên và hơn 15 nghìn học viên, nghiên cứu sinh tốt nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, các tỉnh, thành phố đã quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của ngành giáo dục phù hợp điều kiện thực tiễn. Một số địa phương đã có các chính sách đặc thù tạo chuyển biến tích cực về quy mô và chất lượng giáo dục.

Điển hình, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, kế hoạch đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo. Thành phố triển khai 654 dự án với kế hoạch vốn hơn 21 nghìn tỷ đồng; đến nay đã bố trí hơn 10 nghìn tỷ đồng cho 436 dự án. Thành phố Hà Nội có 1.622/2.248 trường học công lập (72,2%) đạt chuẩn quốc gia.

Các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trên địa bàn cũng được chú trọng như: Xây dựng môi trường giáo dục nhân văn, an toàn, lành mạnh, thân thiện, không có bạo lực học đường; nghiên cứu, xây dựng và phát triển “hệ sinh thái học tập sáng tạo” ở các cấp học, trình độ đào tạo…

Trong khi đó, tại tỉnh Hưng Yên cũng triển khai đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông đến năm 2025, xây dựng hàng trăm phòng học, phòng học bộ môn, phòng chức năng… Riêng nguồn đầu tư cho giai đoạn 2021-2022 xấp xỉ 1.600 tỷ đồng.

Chuẩn hóa, hiện đại hóa, quốc tế hóa

Mặc dù có nhiều chỉ số dẫn đầu cả nước nhưng giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng cũng chịu không ít những khó khăn, thách thức. Trong đó, tốc độ tăng dân số cơ học, đặc biệt là tại các thành phố lớn, địa bàn có nhiều khu công nghiệp, gây áp lực không nhỏ lên hệ thống giáo dục.

Vì vậy, tỷ lệ học sinh/trường và sĩ số học sinh/lớp của vùng đều cao hơn bình quân chung cả nước. Vẫn có hiện tượng thiếu phòng học tại các khu vực có mật độ dân cư cao và tình trạng quá tải tại các trường học còn chưa được khắc phục.

Nhiều trường tiểu học không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để tổ chức học bán trú nên cha mẹ học sinh gặp khó khăn khi đưa trẻ đến trường học hai buổi/ngày. Đáng chú ý, tỷ lệ giáo viên/lớp các cấp học đều thấp hơn định mức theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng, từ thực tiễn địa phương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phê cho rằng, cần sớm ban hành Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để các địa phương có căn cứ trong việc định hướng chiến lược phát triển giáo dục. Ưu tiên đầu tư xây dựng trường lớp theo hướng đạt chuẩn quốc gia, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục.

Song song với đầu tư từ ngân sách nhà nước, ngành giáo dục, các địa phương cần khuyến khích huy động mọi nguồn lực để phát triển giáo dục và đào tạo. Đối với các địa phương tăng cường phối hợp, chia sẻ các kinh nghiệm, bài học, cách làm hay trong phát triển giáo dục; hợp tác quy hoạch theo vùng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học tránh đầu tư dàn trải lãng phí thiếu hiệu quả.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam Phạm Anh Tuấn cho rằng, việc thực hiện tinh giản biên chế phải tính đến đặc thù của ngành giáo dục, bảo đảm định biên giáo viên trên lớp; không thực hiện cắt giảm biên chế theo tỷ lệ chung nhằm bảo đảm công tác đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, để giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng tiếp tục đi đầu trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, bảo đảm chất lượng tương đương với các quốc gia phát triển trong khu vực, cần triển khai đồng bộ, nhiều giải pháp. Trong đó, đổi mới giáo dục mầm non theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của trẻ em.

Chuẩn hóa và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông; hình thành phẩm chất, năng lực người học, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông. Bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục theo nguyên tắc khoa học, linh hoạt, kế thừa, ổn định lâu dài, đồng thời phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Phát triển một số cơ sở giáo dục đại học thành trung tâm nghiên cứu đạt tiêu chuẩn quốc tế về công nghiệp 4.0.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, đồng bằng sông Hồng là vùng đất hiếu học, luôn nhận được quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương cho nên giáo dục và đào tạo cần phát triển theo hướng chuẩn mực trên một tầm vóc mới: Chuẩn hoá, hợp lý hóa, xã hội hóa, văn hóa hóa, hiện đại hóa, số hóa, quốc tế hóa.

Thực hiện những vấn đề “lõi”, căn cốt trước; trong đó triển khai chương trình mới để hiện đại hóa, quốc tế hóa giáo dục. Các đơn vị, cơ sở giáo dục đổi mới phương pháp dạy, học, đổi mới tư duy giảng dạy của đội ngũ nhà giáo; tận dụng tốt quyền chủ động được trao cho nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên.

Những năm đầu triển khai chương trình mới cho thấy, học sinh đã chủ động, năng động hơn. Đây chính là con đường hiện đại hóa giáo dục phổ thông muốn đạt được.

Ông NGUYỄN KIM SƠN

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, so với cả nước, tỷ lệ trường chuẩn của vùng đạt cao nhưng phải vươn lên chuẩn cao hơn, dần đạt được các chuẩn mang tính quốc tế; nhất là ở các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế-xã hội như Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng…

Tập trung thực hiện tốt xây dựng văn hóa học đường; trong đó kỷ cương học đường, thái độ, ứng xử của người dạy, người học là trọng tâm. Ngoài ra, các địa phương vừa tăng cường quản lý nhà nước, vừa tăng cường hỗ trợ cho hệ thống giáo dục ngoài công lập, để hệ thống này phát huy, thể hiện được vai trò của mình.

Thực hiện chuyển đổi số trong chuyên môn, quản trị, dạy và học ngày càng đòi hỏi đạt đến chiều sâu hơn. Vùng đồng bằng sông Hồng cần xây dựng những trường đại học hàng đầu để giải bài toán nhân lực và tạo con đường xây dựng xã hội học tập cho vùng đất hiếu học, thích học và học có chất lượng nhất cả nước…