Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện có khoảng hơn 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc ở hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, hơn 80% là ở các nước phát triển và có khoảng hơn 2 triệu kiều bào có xuất thân hoặc có liên hệ với Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, có khoảng từ 500-600 nghìn doanh nhân, trí thức, chuyên gia có trình độ cao trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Trung bình mỗi năm, kiều hối về Việt Nam khoảng hơn 10 tỷ USD, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng 50%. Đây là nguồn vốn rất lớn, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung và thành phố nói riêng. Tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp do kiều bào đầu tư với số vốn hơn 45.000 tỷ đồng, thu hút hơn 400 trí thức kiều bào về làm việc dài hạn; gần 200 trí thức tham gia hợp tác nghiên cứu, trực tiếp tham gia các đề án, chương trình hợp tác, đầu tư hoặc vận động cộng đồng, vận động và làm cầu nối hợp tác quốc tế.
Theo các chuyên gia kinh tế, rất cần sự gắn kết, cộng hưởng sức mạnh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp kiều bào để tạo dựng nội lực cho doanh nghiệp Việt Nam, qua đó đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
Ông Steve Bùi, kiều bào Nhật Bản, Chủ tịch Tập đoàn Delta E&C, cố vấn cấp cao Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia - Vinen, Chủ tịch Quỹ Steve Bùi và những người bạn, cho rằng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn có tình cảm, sự trân trọng với sản phẩm hàng hóa của Việt Nam; sẵn lòng tham gia giới thiệu, quảng bá, đưa hàng hóa Việt Nam đến thị trường quốc tế. Các doanh nhân kiều bào được xem như là những "đại sứ", có vai trò quan trọng trong việc quảng bá giá trị văn hóa và sản phẩm hàng hóa Việt Nam tại nước ngoài. Vì vậy, cơ quan chức năng của thành phố cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài chứ không chỉ tập trung triển khai tại thành phố. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kiều bào nên tiếp tục đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của đất nước. Trong đó, có hoạt động hỗ trợ đưa sản phẩm hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài và tham gia hoạt động an sinh xã hội, vì cộng đồng tại quê hương.
Còn theo ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp kiều bào và doanh nghiệp thành phố cần tập trung vào các hoạt động kết nối nhằm khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch Covid-19. Các sở, ngành, doanh nghiệp cần tích cực tìm kiếm, đề xuất các giải pháp hiệu quả để thực hiện thành công Đề án "Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022-2024" theo Quyết định số 1797/QĐ-TTg ngày 12/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Tiến sĩ Lê Hoàng Thế, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, cho rằng, để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư của doanh nghiệp kiều bào và sự đồng hành, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp kiều bào, trước hết, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, sửa đổi Luật Quốc tịch, Luật Đất đai... cho phù hợp hơn với tình hình thực tiễn và nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân nói chung và kiều bào nói riêng.
Doanh nhân kiều bào luôn mong mỏi các cơ quan chức năng các cấp phải quyết liệt, đột phá trong cải cách các thủ tục hành chính về xuất, nhập cảnh, đầu tư, kinh doanh, làm việc, mua và sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam, cải thiện môi trường đầu tư; chủ động giải quyết, tháo gỡ các điểm nghẽn về thủ tục đầu tư; nên hình thành những trung tâm (viện, văn phòng...) liên kết với hội luật sư các nước để tư vấn, làm trọng tài pháp luật cho các doanh nghiệp kiều bào khi ký kết, hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp trong nước nhằm hạn chế thấp nhất những tranh chấp trong hợp tác đầu tư.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận được thông tin chính thống sẽ góp phần đáng kể thu hút được nguồn vốn đầu tư của kiều bào vào các dự án tốt và hiệu quả, đồng thời tránh làm nản lòng bà con kiều bào do thiếu thông tin về pháp luật. Thành phố có thể xem xét huy động vốn của kiều bào bằng cách phát hành trái phiếu trong những dự án công như cầu, đường cao tốc, khu công nghiệp…
Thành phố cũng cần khuyến khích việc hình thành các hiệp hội chuyên ngành với các hoạt động thiết thực như thành lập các câu lạc bộ trí thức kiều bào, các hội doanh nhân kiều bào; xây dựng, triển khai các chính sách ưu đãi và thu hút những chuyên gia, trí thức Việt kiều có trình độ chuyên môn cao, xây dựng những đầu mối về xuất, nhập khẩu và hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài.