Phát huy vai trò cán bộ, đảng viên trong xây dựng nông thôn mới

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều cán bộ, đảng viên ở Trà Vinh đã thể hiện rõ tinh thần tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm cao; qua đó, góp phần tạo sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp Trầm Minh Thuần (đứng) trao đổi kinh nghiệm với các cán bộ xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp Trầm Minh Thuần (đứng) trao đổi kinh nghiệm với các cán bộ xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.

Đồng chí Kim Ruône ở ấp Bót Chếch, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh luôn thể hiện tốt vai trò bí thư chi bộ ấp, có nhiều đóng góp trong các phong trào thi đua, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào Khmer, nhất là tham gia xây dựng nông thôn mới. Tại chi bộ ấp, tất cả đảng viên đều tự giác, đi đầu trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, hăng hái lao động để xóa nghèo.

Nhận thấy rõ lợi ích lâu dài của việc xây dựng ấp văn hóa-nông thôn mới, đồng chí Kim Ruône đã tiên phong hiến 1.000 m2 đất xây trụ sở ban nhân dân ấp và làm đường nông thôn. Từ đó, hàng chục hộ dân trong ấp, trong xã đã tham gia hiến đất, cây ăn trái, hoa màu, góp hàng trăm lượt ngày công xây đường nông thôn liên ấp.

Để góp phần chia sẻ khó khăn, động viên người nghèo nỗ lực vượt khó, vươn lên, đồng chí Kim Ruône nhận đỡ đầu hai hộ nghèo trong ấp. Nhiều năm liền, đồng chí cho hai hộ nghèo này mượn đất, mượn tiền để trồng lúa, trồng màu kết hợp chăn nuôi bò, ổn định thu nhập và thoát nghèo bền vững.

Với vai trò là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng chí cùng Đảng ủy, chính quyền xã Lương Hòa vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ tiền xây dựng và trao nhiều căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương cho các hộ khó khăn về nhà ở.

Ấp Bót Chếch có gần 500 hộ dân, trong đó phần lớn là đồng bào Khmer. Trước đây, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của ấp khoảng 20%. Nhờ xây dựng nông thôn mới, đường nông thôn được đổ bê-tông, trải nhựa rộng rãi, sạch sẽ, người dân chỉnh trang nhà cửa, tháo dỡ nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi không phù hợp; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Đến nay, giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất trồng trọt của ấp đạt 130 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo của ấp chỉ còn dưới 1%...

Còn tại huyện Trà Cú, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp, xã Long Hiệp, Trầm Minh Thuần cho biết, được thành lập vào năm 2018, thu hút 72 thành viên, vốn điều lệ 2,2 tỷ đồng, hợp tác xã hiện là chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể lúa, gạo thương hiệu “Hạt Ngọc Rồng”. Hằng năm, hợp tác xã ký hợp đồng bao tiêu giống lúa ST25 cao hơn giá thị trường 500 đồng/kg đối với diện tích khoảng 20 ha của các hộ dân ở xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Hợp tác xã còn thực hiện hợp đồng bao tiêu đầu ra sản phẩm cho các thành viên với diện tích 150 ha lúa canh tác 3 vụ/năm tại hai xã Long Hiệp, Tân Hiệp của huyện Trà Cú với giá đầu ra cao hơn giá thị trường từ 100-200 đồng/kg lúa.

Mô hình nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa hữu cơ gắn với bao tiêu sản phẩm cũng giúp nhiều hộ dân ở ấp Lộ Sỏi B, xã Đôn Xuân có thu nhập cao hơn, ổn định cuộc sống hơn trước. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Long Hiệp Kim Bảy Ly, Hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp đã giúp cho xã đạt tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới. Mô hình tôm-lúa hữu cơ do hợp tác xã triển khai tại xã Đôn Xuân cũng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đánh giá hiệu quả ở cả ba tiêu chí: Kinh tế, xã hội, môi trường và đang khuyến khích nhân rộng.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trà Cú Kim Sang cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trên địa bàn thấm nhuần quan điểm xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Đây là cuộc vận động lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

o vậy, Huyện ủy Trà Cú đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu sự cần thiết xây dựng nông thôn mới. Cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị của huyện đề ra nhiệm vụ, phân công cán bộ, đảng viên chịu trách nhiệm thực hiện những phần việc, công việc cụ thể.

Trong suốt quá trình thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, Huyện ủy Trà Cú cũng yêu cầu từng cán bộ, đảng viên phải thật sự nêu gương, nòng cốt đi đầu, nhất là trong những việc khó. Ý thức được trách nhiệm, nhiều cán bộ, đảng viên trong huyện đã tiên phong hiến cây, hiến đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ xóm, ấp xây dựng nông thôn mới.

Ngày 8/4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 288/QĐ-TTg công nhận huyện Trà Cú đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhất là phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đến nay, tỉnh Trà Vinh đã có 9/9 huyện, thị, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trà Vinh đã cơ bản đạt 6/8 nội dung xây dựng tỉnh nông thôn mới.