Phát huy tư duy kinh tế của nông dân

Những năm gần đây, nhiều nông dân ở tỉnh Tiền Giang đã thay đổi cách nghĩ, cách làm để nâng cao thu nhập cho gia đình, tạo ra giá trị gia tăng cao theo hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Vườn táo của ông Trần Văn Hồi (xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông) là điểm du lịch hấp dẫn du khách.
Vườn táo của ông Trần Văn Hồi (xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông) là điểm du lịch hấp dẫn du khách.

Những nhà nông này đã tận dụng được nguồn nông sản, mô hình chăn nuôi tại gia đình để thu hút khách du lịch đến tham quan, mua sắm các sản phẩm được làm ra từ ruộng, vườn, ao, chuồng, từ đó, lợi nhuận thu được gấp hàng chục lần so với trước đây.

Những mô hình sáng tạo

Mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch của ông Đoàn Văn Khanh, xã Song Thuận, huyện Châu Thành được xem là điển hình trong việc thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Với khu đất rộng hơn 1ha, ông Khanh trồng hơn 200 cây dừa sáp xen bưởi, một số cây thuốc nam như đinh lăng, thần kỳ, chùm ngây… và nuôi ong để làm nguồn nguyên liệu phục vụ du lịch.

Để tạo sự khác biệt và thu hút du khách, ông Khanh thiết kế những cây cầu bằng thép cao tới ngọn dừa, tạo thành hệ thống giao thông trên cao để khách tham quan được tận tay sờ, hái, chụp ảnh lưu niệm cùng các buồng dừa trĩu quả và uống nước dừa cạnh ngọn dừa. Ông còn thiết kế nhà, tường rào, bàn, ghế được làm từ những phế liệu như chai nhựa, túi ni-lông… để tạo sự khác lạ.

Thông qua mô hình này, ông Khanh muốn lan tỏa đến cộng đồng về việc bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp; biết cách tái sử dụng các loại rác thải, chai nhựa khó phân hủy thành những sản phẩm hữu ích cho cuộc sống. Ông chia sẻ: “Làm cái gì phải “độc”, lạ và có tính bền vững mới thu hút được du khách. Mình không chỉ giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp mà còn tạo không gian cho những ai mỗi khi đến tham quan, thưởng ngoạn và được sống với không gian yên tĩnh của chốn vườn quê”.

Trong các dịp lễ, Tết hay cuối tuần, điểm du lịch của ông Khanh đón hàng trăm lượt khách. Du khách tham quan vườn được miễn phí, nhưng giá mỗi trái dừa hái xuống là 100.000 đồng. Nếu khách hái trúng dừa sáp mà không dùng thì vườn sẽ mua lại với giá 200.000 đồng. Đồng thời, du khách được thưởng thức các món ăn dân dã miệt vườn như cháo dừa, cơm dừa kho, gỏi tép bưởi, dừa, bánh khọt… kèm với các loại rau sạch được trồng trong vườn.

Hợp tác xã nông nghiệp Đông Nghi (Tam Hiệp, huyện Châu Thành) có hướng đi mới nhờ gắn phát triển du lịch với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Giám đốc Hợp tác xã Lê Khắc Đông Nghi cho biết: Ban đầu, cơ sở đầu tư nuôi 500 con dê bán thịt, nhưng không hiệu quả do giá cả bấp bênh, đầu ra khó khăn. Sau đó, cơ sở mạnh dạn bán hết số dê thịt nói trên và mua 300 con dê sữa, giống Saanen về nuôi lấy sữa, chế biến các mặt hàng từ sữa dê để phục vụ du khách, cung cấp cho thị trường.

Với 50.000 đồng/vé, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động như cho dê ăn, dẫn dê đi dạo, cho dê bú bình, bơi xuồng trên sông, đi xe đạp vòng quanh vườn cây ăn trái, thưởng thức các món ăn được chế biến từ sữa dê. Du khách nào muốn thưởng thức các món ăn đậm chất làng quê như cá lóc nướng trui, cá trắng kho tiêu, tép mũi bông điên điển… sẽ được phục vụ.

Theo bà Đông Nghi, việc mở du lịch là để du khách biết và đến mua các sản phẩm từ sữa dê do mình làm ra nhiều hơn. Tiền vé vào cổng tham quan sẽ trang trải chi phí cho nhân công, nguồn thức ăn cho dê. Lợi nhuận mang lại từ các sản phẩm sữa dê cao gấp hàng chục lần so với nuôi dê bán thịt.

Vườn táo rộng 1ha của ông Trần Văn Hồi, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông luôn đông khách đến tham quan, thưởng thức trái cây tại vườn, các món ăn dân dã của vùng đất Nam Bộ. Ông Hồi cho biết: Thích thú với vườn táo sai trái cùng không khí thoáng mát, nhiều khách đến mua ngỏ ý vào vườn tham quan, được tự tay hái trái. Thấy vậy, gia đình đã đầu tư, cải tạo lại vườn táo để trồng rải vụ, đào ao để du khách bơi xuồng thư giãn, xây cầu bắc qua ao để chụp ảnh lưu niệm...

Trung bình, vườn táo của ông đón từ 60-100 lượt khách/ngày; dịp lễ, Tết, lượng khách tham quan, mua táo tăng gấp gần mười lần so ngày thường. Ông Trần Văn Hồi nói: “Ở vùng biển này, nhiều người làm du lịch biển, nên gia đình tôi làm du lịch phải theo hướng khác. Vừa giải quyết đầu ra cho trái táo mà còn thu phí 30.000 đồng/người khi vào tham quan vườn. Thời gian tới, gia đình sẽ đầu tư thêm nhiều tiểu cảnh, trồng nhiều loại hoa, rau, củ để thu hút du khách hơn nữa”.

Ngoài các mô hình nêu trên, tỉnh Tiền Giang còn có một số điểm do nông dân làm ra theo hướng chuyển đổi từ tư duy nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp như: Thủ phủ khóm Trung Kiên (Tân Phước), Khu du lịch sinh thái Điền Lan Thôn Trang (Châu Thành), vùng trồng dược liệu xanh Thiên Ân (Gò Công Tây), vườn lan Thảo Nguyên (thành phố Mỹ Tho)… Đây là những mô hình gắn kết được sản phẩm nông nghiệp với du lịch, tạo hiệu quả cao cho gia đình và địa phương.

Phát huy tư duy kinh tế của nông dân ảnh 1

Một điểm du lịch nông nghiệp thu hút du khách tại Tiền Giang.

Khuyến khích thêm các mô hình

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, mô hình trồng táo kết hợp với du lịch của ông Trần Văn Hồi; mô hình nuôi dê lấy sản phẩm từ sữa, kết hợp du lịch của nông trại dê sữa Đông Nghi là điển hình trong việc gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Nông dân đã gắn kết giữa sản phẩm nông nghiệp với du lịch, khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có ở địa phương; giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân.

Hơn nữa, những nông dân này còn tạo ra các mô hình du lịch ấn tượng, kết nối các tua vào các điểm du lịch, nhằm đa dạng các loại hình du lịch của địa phương, góp phần phát triển ngành du lịch của tỉnh, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Tuy vậy, các mô hình này còn nhỏ, phương thức sản xuất cá thể, tự phát; trình độ khoa học kỹ thuật và quản lý chưa cao; sản xuất, kinh doanh theo chuỗi liên kết còn hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Mẫn cho biết: Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn nông dân, tạo sự chuyển biến tư duy về sản xuất, kinh doanh, hướng đến mục tiêu giá trị sản phẩm hơn là mục tiêu sản lượng, chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị; hỗ trợ nông dân liên kết, hợp tác trong sản xuất, gắn sản xuất; lấy thị trường là tín hiệu đầu vào cho sản xuất...

Đánh giá hiệu quả bước đầu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang Võ Phạm Tân khẳng định: Đây là những mô hình kinh tế mới nằm trong chuỗi phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp. Những mô hình này đã mang lại hiệu quả tích cực, vừa quảng bá, tạo đầu ra tại chỗ cho sản phẩm nông nghiệp, vừa tạo thêm sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thân thiện môi trường; hình thành chuỗi giá trị mang tính cạnh tranh cao, góp phần nâng cao đời sống người dân, có những đóng góp nhất định cho kinh tế địa phương.

Để các mô hình trên phát triển bền vững, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ hướng dẫn các địa phương hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khai thác, phát triển du lịch gắn với nông nghiệp; tập huấn các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng nghề, kỹ năng mềm phục vụ du lịch ở các điểm này; đẩy mạnh liên kết chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý du lịch, nông nghiệp, thương mại trong mô hình phát triển du lịch nông nghiệp…

Để thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp thành công, rất cần sự thay đổi lối sống, cách nghĩ, cách làm sáng tạo, hiệu quả của mỗi người dân nhằm đẩy mạnh việc phát huy vai trò, nguồn lực trong cộng đồng dân cư, tiến tới hợp tác, chia sẻ, giúp nhau làm giàu.