Sau khi nghe báo cáo của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ý kiến phát biểu của đại diện các Bộ, ngành và các đại biểu, Chủ tịch nước nêu rõ buổi gặp mặt trong lúc dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thể hiện sự quan tâm với ngành dệt may và gửi lời thăm hỏi tới toàn thể gần ba triệu cán bộ, công nhân, người lao động của ngành.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp tích cực của ngành dệt may, các doanh nghiệp và các điển hình tiêu biểu, trong khó khăn do tác động của dịch Covid-19 vẫn vươn lên tổ chức, phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, chăm lo tốt sức khỏe, bảo đảm việc làm và đời sống cho người lao động, phòng dịch tốt, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Toàn ngành đã biến nguy thành cơ, thực hiện tốt “mục tiêu kép”, triển khai nhiều biện pháp thiết thực, làm tốt mô hình sản xuất "ba tại chỗ", "một cung đường, hai điểm đến", phát triển mạnh lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 của ngành dệt may đạt 19 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, với đặc thù ngành đông lao động, quy mô lớn, rủi do dịch bệnh kèm với rủi do kinh doanh, dệt may Việt Nam vẫn đứng thứ hai thế giới, toàn ngành có 209 ca F0 trong số 147.540 người lao động. Những đóng góp to lớn thể hiện bản lĩnh, không ngừng vươn lên của ngành dệt may góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ tịch nước khẳng định, dệt may là một trong những lĩnh vực sản xuất mũi nhọn để phục hồi nên kinh tế hậu Covid-19, đòi hỏi tổ chức sản xuất tốt mới giải quyết việc làm, giúp người lao động có thu nhập, góp phần giữ sự bình yên, phát triển kinh tế của đất nước.
Chủ tịch nước yêu cầu Tập đoàn Dệt may và Hiệp hội Dệt may Việt Nam phát huy kết quả đạt được, bám sát thực tiễn, tự chủ sáng tạo, tự lực, tự cường, nắm bắt cơ hội, có những quyết sách kịp thời bảo đảm thực hiện tốt “mục tiêu kép”, linh hoạt, chủ động lựa chọn mục đích ưu tiên ở từng doanh nghiệp, trong từng giai đoạn, từng loại sản phẩm. Tuyên truyền, quản lý tốt, bảo đảm người lao động chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh, nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, không để lây nhiễm trong nhà máy; quan tâm, nắm bắt tâm tư, động viên kịp thời người lao động.
Các doanh nghiệp dệt may gắn bó chặt chẽ với chính quyền trong phòng chống dịch, tăng cường sản xuất trong các doanh nghiệp tại vùng có dịch bệnh thấp, chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn, chuẩn bị tốt nhất các điều kiện sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh và sau dịch, có biện pháp để đưa 40 nghìn người lao động trở lại làm việc. Đồng thời đẩy mạnh tốc độ chuyển đổi số, kinh doanh trên môi trường số, tái cung ứng sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch nước đặc biệt lưu ý, các đảng bộ, chi bộ của tập đoàn, các doanh nghiệp phải lãnh đạo tốt hơn, công đoàn quan tâm giáo dục, vận động công nhân, người lao động đoàn kết, phát huy tinh thần tương thân tương ái, tích cực sản xuất và phòng chống dịch, tránh bị các thế lực khác lôi kéo, dụ dỗ, lợi dụng.
Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ, ngành y tế quan tâm hơn nữa ngành dệt may, hỗ trợ tiêm vaccine cho công nhân, người lao động - những người trực tiếp sản xuất, tạo ra hàng hóa xuất khẩu và cung ứng cho thị trường trong nước và quốc tế; đề nghị các cấp, các ngành thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ người lao động trong sinh hoạt và đời sống. Cấp ủy chính quyền các cấp, nhất là các tỉnh phía nam cần chú trọng chăm lo, hỗ trợ người lao động bảo đảm cuộc sống, có chính sách tiêm vaccine để người lao động yên tâm ở lại địa phương, lao động sản xuất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại.
Tổng Liên đoàn Lao động đẩy mạnh phát động các phong trào thi đua, biểu dương kịp thời những điển hình, lan tỏa cách làm hay, sáng tạo, nhân lên các “bông hoa đẹp” để có thêm nhiều cách làm mới, hiệu quả hơn.