Phát huy truyền thống, nắm bắt thời cơ, quyết liệt hành động

NDO -

Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị ra phương châm hành động chung toàn ngành Kế hoạch Đầu tư trong năm 2021 là: “Phát huy truyền thống, nắm bắt thời cơ, quyết liệt hành động”

Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, phát biểu kết luận tại Hội nghị ngày 8-1.
Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, phát biểu kết luận tại Hội nghị ngày 8-1.

Phương châm trên được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng đề nghị tại Hội nghị trực tuyến ngành KHĐT  đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 diễn ra ngày 8-1.

Đồng thời, đồng chí Nguyễn Chí Dũng cũng yêu cầu ngành KHĐT  trong năm 2021 phải có một tư duy mới, cách tiếp cận mới, nhanh chóng theo hướng tích cực, theo kịp xu thế thời đại. Phải thay đổi tư duy quản lý từ chủ yếu là kiểm soát, cho phép (tiền kiểm) sang chủ yếu phục vụ thúc đẩy phát triển (hậu kiểm). 

“Với tư cách là một cơ quan tổng tham mưu trưởng, chúng ta phải kiên trì, tiên phong và đẩy nhanh việc cải cách, nghiên cứu định hướng chính sách về cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng nâng cao sức cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo…” - vị tư lệnh ngành KHĐT nói

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng dẫn lại lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngành KHĐT: "Bộ, cơ quan nào sẽ tiên phong tham mưu cho Đảng và Chính phủ trong việc cụ thể hóa và thực hiện thành công định hướng này nếu không phải là Bộ Kế hoạch và Đầu tư? Đó chắc chắn là Bộ Kế hoạch và Đầu tư!"

Hơn nữa, theo đồng chí Nguyễn Chí Dũng, ngành KHĐT cũng cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. 

Qua việc hoàn thiện nhanh khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công; ban hành chính sách thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới, như: kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm… đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế.

Qua việc nghiên cứu và khẩn trương ban hành và tạo điều kiện thực hiện cơ chế thí điểm (sandbox) cho đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp quan tâm đến đổi mới sáng tạo; xây dựng Quỹ mạo hiểm để hỗ trợ cho quá trình đổi mới sáng tạo.

Qua việc đẩy nhanh và triển khai toàn diện Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó chú trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Qua việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo (NIC) để hỗ trợ chuyển giao công nghệ, kết nối tài năng, thúc đẩy khởi nghiệp, trọng tâm là xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, các trung tâm ở ba thành phố lớn là Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu ngành KHĐT nghiên cứu các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam làm sao để trở thành động lực cho tăng trưởng và phát triển.

Hoàn thiện thể chế để tiếp tục thúc đẩy, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp hơn nữa trong bối cảnh phát triển vũ bão về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thay đổi về tư liệu sản xuất và phương thức sản xuất, sự phát triển của các học thuyết mới và xu hướng kinh doanh mới.

Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), Bộ trưởng chỉ đạo ngành KHĐT nghiên cứu và thực hiện các chương trình khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng, làm chủ, nghiên cứu phát triển công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh; hỗ trợ kết nối giữa các doanh nghiệp, giúp liên kết, tạo khối thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau trong đầu tư kinh doanh.

Đối với các doanh nghiệp FDI, đồng chí Nguyễn Chí Dũng yêu cầu rà soát các doanh nghiệp FDI theo hướng phân loại, đánh giá tuân thủ pháp luật, nhất là bảo vệ môi trường và chống chuyển giá; thận trọng khi xem xét các dự án về luyện thép, nhiệt điện, nhôm.

Rà soát lại các ưu tiên, ưu đãi cho các doanh FDI, đặc biệt là đối với doanh nghiệp có công nghệ thấp, tốn diện tích, tiêu hao năng lượng cao, rủi ro môi trường và các doanh nghiệp không có kế hoạch gắn kết lâu dài tại Việt Nam

Thay đổi chính sách ưu đãi, chỉ tập trung cho những doanh nghiệp công nghệ cao có chuyển giao công nghệ, gắn kết với doanh nghiệp trong nước.

Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định, giải quyết ngay những vướng mắc, bất cập tạo ra đối với doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường, theo nguyên tắc phân định trách nhiệm rõ ràng, minh bạch, một đầu mối quản lý, kết nối, chia sẻ thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, nhất là trong việc giải quyết thủ tục hành chính và các dịch vụ công thiết thực đối với người dân. Triển khai các giải pháp về công nghệ thông tin nhằm thực hiện tốt Nghị định 122/2020/NĐ-CP để cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Nhanh chóng đưa vào vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư theo Luật Đầu tư mới, gồm 05 hệ thống: Hệ thống đầu tư nước ngoài, Hệ thống đầu tư ra nước ngoài, Hệ thống đầu tư trong nước, Hệ thống xúc tiến đầu tư, Hệ thống quản lý các khu kinh tế. 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; phát triển kinh tế biển, đô thị lớn; tăng cường liên kết vùng; xây dựng nông thôn mới.

Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ.

Đáng chú ý, vị tư lệnh ngành KHĐT cũng yêu cầu các cán bộ nhân viên ngành, ngoài công tác chuyên môn, cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến các vấn đề xã hội, tích cực thực hiện các hoạt động chia sẻ, hỗ trợ cộng đồng để vừa duy trì được truyền thống nhân văn của con người ngành kế hoạch đầu tư. 

“Để vừa thấu hiểu hơn các đối tượng chính sách, gần gũi hơn với nhân dân, từ đó bảo đảm được sự hiệu quả, công bằng trong thiết kế, xây dựng và thực thi chính sách” - đồng chí Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.