Phát huy truyền thống cách mạng trong kháng chiến, xây dựng Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững

NDO -

NDĐT - Những ngày cuối năm 2016, cán bộ và nhân dân Đà Nẵng bận rộn, tất bật cho lễ kỷ niệm 20 năm chia tách, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Truyền thống anh dũng kiên cường trong chiến đấu đã và đang được người Đà Nẵng phát huy mạnh mẽ cho công cuộc đổi mới, vươn lên hôm nay.

Cầu quay Sông Hàn, biểu tượng của Đà Nẵng hôm nay.
Cầu quay Sông Hàn, biểu tượng của Đà Nẵng hôm nay.

Trong ngôi nhà nhỏ khang trang trông ra mảnh vườn mơn mởn rau xanh ở giữa thôn Phú Sơn 1 (xã Hòa Khương, Hòa Vang, Đà Nẵng) cụ bà Trần Thị Thống, một trong số ít cán bộ tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền, anh dũng chiến đấu bảo vệ nền độc lập non trẻ. Đã 108 tuổi, nhưng khi vừa nhắc chuyện khởi nghĩa, chuyện kháng chiến, ánh mắt cụ Thống như bừng sáng trở lại, 70 năm đã qua, mà nghe như vẫn hừng hực không khí chiến đấu của những ngày đầu cách mạng.

Sau khởi nghĩa 1945, cụ Thống đã là chỉ huy trưởng lực lượng nữ du kích tổng An Phước - Hòa Vang. Cuối năm 1946, hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dân Đà Nẵng - Quảng Nam nhất tề đứng dậy, cùng Việt Minh chiến đấu chống thực dân Pháp. Ngày 19-12-1946, Ban Chỉ huy mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng nhận chỉ thị từ trung ương “Tất cả hãy sẵn sàng” và “Tổ quốc lâm nguy! Giờ chiến đấu đã đến!”.

2 giờ sáng ngày 20-12-1946, tiểu đoàn 19 nổ súng đánh địch tại sân bay Đà Nẵng, các đơn vị khác đồng loạt nổ súng tấn công địch ở Hòa Khánh, Hải Vân, Non Nước... Các cầu Thủy Tú, Cẩm Lệ, Phong Lệ, nhà máy điện… bị phá sập. Đồng bào trong thành phố tản cư ra vùng nông thôn, lên mạn đồi núi. Cuộc chiến đấu diễn ra ở Đà Nẵng không cân sức về binh khí và kỹ thuật, nhưng tinh thần dũng cảm hy sinh của bộ đội, du kích, nhân dân khiến kẻ địch run sợ. Ròng rã hơn một tháng, quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng đã vây hãm, tiêu hao một bộ phận địch, 10 nghìn tên lính Pháp bị giam chân trong thành phố, làm thất bại kế hoạch tốc chiến, tốc thắng của giặc Pháp, góp phần cùng cả nước có thời gian chuyển vào chiến tranh, tiếp tục kháng chiến lâu dài.

Tinh thần quyết tử của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng tiếp tục phát huy qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với bao trang sử hào hùng, bi tráng. Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng nhớ lại: Ngay sau ngày đất nước thống nhất, người Đà Nẵng cùng cả nước bắt tay vào công cuộc kiến thiết, phát triển. Lúc bấy giờ, Đà Nẵng là một đô thị hiện đại của miền nam, nhưng phát triển rất lệch lạc, chủ yếu bám vào bộ máy chiến tranh của Mỹ. Những phẩm chất quý báu của con người Xứ Quảng được phát huy, Đà Nẵng nhanh chóng trở thành điểm sáng của cả nước về công nghiệp cơ khí, công nghiệp tiêu dùng.

Nhiều mô hình kinh tế công tư hợp doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã… trong nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của Đà Nẵng trở thành điển hình cho cả nước. Ngày 1-1-1997 đánh dấu bước ngoặt cho cả Đà Nẵng và Quảng Nam khi địa giới hành chính được chia tách.

Như được cởi trói, Đà Nẵng nhanh chóng vươn mình, công cuộc chỉnh trang đô thị tiến hành đồng bộ, khẩn trương, tạo nên bước đột phá cho một đô thị trẻ trung, năng động. Các ngành kinh tế mũi nhọn như du lịch, dịch vụ thương mại, tài chính, công nghệ thông tin… dần định hình, phát triển mạnh mẽ. Sau 20 năm, TP Đà Nẵng thật sự trở thành một đô thị có tốc độ phát triển nhanh so với nhiều địa phương trong cả nước. Kinh tế thay đổi theo hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng nhanh, luôn đạt mức hai con số. Hiện Đà Nẵng đã được xếp vào nhóm các thành phố có mức thu nhập khá, cơ cấu kinh tế chuyển đổi tích cực, một số lĩnh vực, một số mặt đạt cao so với bình quân cả nước.

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Lịch sử TP Đà Nẵng nhìn nhận: Những phẩm chất từng được phát huy cao độ trong đấu tranh giành độc lập tự do đã được cán bộ, nhân dân Đà Nẵng vận dụng trong lao động, dựng xây hòa bình. Bài học thành công nhất của Đà Nẵng những năm qua là đã tạo được sức mạnh đồng thuận của nhân dân trong chỉnh trang đô thị, trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội như “Năm không, Ba có”... Các chính sách ưu đãi nhằm đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao được triển khai từ hàng chục năm qua đang phát huy tác dụng, khi Đà Nẵng được coi là nơi “đất lành chim đậu”.

Tiến sĩ Võ Văn Chi, mới 26 tuổi đã là tiến sĩ ngành Điện tử Nano tại Đại học Grenoble (Pháp), hiện làm việc tại Ban quản lý Khu Công nghệ cao Đà Nẵng cho biết: Sau khi tốt nghiệp, em nhận không ít lời mời ở lại nước ngoài, nhưng em xác định, phải về đóng góp công sức để đền đáp cho quê hương, nơi mình sinh ra, lớn lên.

Cùng nguyện vọng được góp sức xây dựng Đà Nẵng, thạc sĩ Võ Mai Hương hiện là chuyên gia về thị trường Nhật Bản của Trung tâm xúc tiến đầu tư Đà Nẵng chia sẻ: Nhiệt huyết, trung thành, gắn bó với quê hương, sẵn sàng từ bỏ mục tiêu cá nhân để góp phần xây dựng quê hương, đó là phẩm chất quý báu của người Đà Nẵng trước đây cũng như bây giờ.

Đà Nẵng đang trên bước đường xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại, với chủ trương phát triển theo hướng bền vững, Đà Nẵng sẵn sàng từ chối những dự án có khả năng sinh lời cao nhưng dễ ô nhiễm môi trường. “Chủ trương chung là xây dựng Đà Nẵng trở thành một đô thị lớn theo hướng sinh thái, trung tâm kinh tế - xã hội lớn của khu vực và cả nước; tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn và công nghiệp công nghệ cao; kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị đồng bộ, hiện đại; có văn hóa, văn minh đô thị lành mạnh, thân thiện; xây dựng thành phố môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”, đồng chí Huỳnh Đức Thơ, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định.

Qua 20 năm Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã phát huy truyền thống cách mạng trung dũng kiên cường, tư duy năng động, sáng tạo cùng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sự đồng thuận trong xã hội, tạo ra những biến đổi to lớn, sâu sắc và toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, làm nên diện mạo mới cho thành phố bên sông Hàn, tạo được dấu ấn, thương hiệu riêng của Đà Nẵng. Thành phố đóng góp xứng đáng vào công cuộc phát triển chung của đất nước, góp phần khẳng định chủ trương tách tỉnh kịp thời và đúng đắn của Trung ương.

Thời gian tới, để Đà Nẵng tiếp tục giữ vững vai trò động lực đối với sự phát triển của miền trung - Tây Nguyên và của cả nước, Đảng bộ và nhân dân thành phố cần không ngừng đổi mới mạnh mẽ và toàn diện; nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của từng tổ chức đảng và toàn Đảng bộ; thực sự phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tính năng động, sáng tạo của chính quyền các cấp.

Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thiết thực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao nhận thức về chủ quyền biển đảo; phấn đấu xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.

Năm 2016, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng. Năm 1997, diện tích đô thị Đà Nẵng chỉ là 5.600 ha, nay đạt tới con số 21.300 ha, việc mở rộng đô thị đã tạo thêm không gian sinh sống, khai thác quỹ đất, xây dựng đô thị hoàn chỉnh, hài hòa hơn. Việc phát triển các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu công nghiệp, khu du lịch được tiến hành đồng thời với việc chỉnh trang đô thị. Nhiều công trình mới có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, nhiều khu đô thị có hạ tầng đồng bộ, hiện đại, được khởi công xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống nhân dân, tạo nên diện mạo mới cho thành phố theo hướng thành phố biển, văn minh, hiện đại.

Những năm gần đây, Đà Nẵng cũng có bước phát triển đột phá về du lịch, từng bước khẳng định đây là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư phát triển mạnh, các sản phẩm du lịch tăng cả về chất lượng, số lượng và đa dạng về loại hình. Năm 1997 chỉ có một thương hiệu quốc tế là Furama Resort Đà Nẵng, đến nay thành phố đã có hầu hết các thương hiệu lớn như: InterContinental, Pullman, Mercure, Novotel, Hyatt Regency, Fusion Maia, Vinpearl Luxury... Các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng hóa và có sức hấp dẫn, trở thành điểm đến thu hút khách như: Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế (DIFC), Khu du lịch Bà Nà Hills, Công viên châu Á, các khu vui chơi, giải trí, mua sắm, các khu nghỉ dưỡng biển... cùng với một số sự kiện đã trở thành những sản phẩm du lịch có giá trị nổi bật và thực sự hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.