Phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long

NDO -

Ngày 10/12, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Thành ủy Cần Thơ, Đại học Cần Thơ tiến hành Hội thảo khoa học “Phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới”. 

Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Hội thảo thu hút đông đảo cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học nhiều lĩnh vực trong cả nước.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long có vai trò đặc biệt quan trọng, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Nơi đây hội đủ những yếu tố để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, tồn tại nhiều “nút thắt” dẫn đến tụt hậu về nhiều mặt so với khu vực phía nam và cả nước. Nổi bật như, thiếu một tầm nhìn chiến lược chung cho cả khu vực; một cơ chế liên kết vùng hiệu quả; tài nguyên nói chung chưa được khai thác sử dụng hiệu quả; cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu phát triển của vùng; nguồn lực đầu tư phát triển hạn chế; chậm đổi mới ứng dụng khoa học, công nghệ và sản xuất… 

Phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng sông cửu long ¬¬¬¬¬¬¬¬¬ -0

Với 100 tham luận tham gia hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá toàn diện tiềm năng, lợi thế của đồng bằng sông Cửu Long cùng khả năng, điều kiện, giải pháp phát huy để phát triển bền vững khu vực này. Các tham luận đã tập trung vào các chủ đề: Nhận thức chung về tiềm năng, lợi thế của vùng; vấn đề phát triển nhanh, bền vững vùng; Quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển nhanh bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long; thực trạng việc phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển vùng; những vấn đề đặt ra và thách thức; giải pháp kiến nghị nhằm phát triển đồng bằng sông Cửu Long nhanh bền vững.

Hội thảo với quá trình chia sẻ tri thức, kinh nghiệm; tổng kết thực tiễn, bổ  sung phát triển lý luận đã cung cấp những luận cứ khoa học; tư vấn, kiến nghị nhiều vấn đề mới, thiết thực góp phần hoàn thiện chính sách, giải pháp của trung ương và địa phương bảo đảm vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh mới.