Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Cần Thơ nhanh và bền vững

NDO -

Tiếp tục chương trình làm việc hôm nay, sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành về sự cần thiết của việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, thống nhất hồ sơ Nghị quyết đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội dự phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội dự phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Trình bày Tờ trình của Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương có vị trí trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long mang những đặc trưng cơ bản của một trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội và là cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông, đóng vai trò kết nối nước ta với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.

Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Cần Thơ nhanh và bền vững -0
 Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày tờ trình tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Phấn đấu là đô thị hạt nhân liên kết vùng

Theo Tờ trình, với vị trí là giao điểm của hai trục kinh tế-đô thị năng động nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long là Trục hành lang Thành phố Hồ Chí Minh-thành phố Cần Thơ và trục sông Hậu (An Giang-Cần Thơ-Sóc Trăng), thành phố Cần Thơ là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không và là địa bàn trọng yếu chiến lược về quốc phòng-an ninh của vùng.

Việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 59-NQ/TW, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra.   

Thời gian qua, cơ cấu kinh tế tại thành phố chuyển dịch chậm, nhất là ngành công nghiệp; phát triển ngành dịch vụ chưa tạo ra được sự đột phá, chưa trở thành trung tâm dịch vụ lớn, đa ngành và chưa xây dựng được các khu liên kết sản xuất của vùng. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị còn bất cập, thiếu bền vững. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao, là điểm nghẽn đối với phát triển của thành phố Cần Thơ và Vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố Cần Thơ chưa thật sự trở thành đô thị hạt nhân liên kết và kết nối vùng.

Theo dự thảo Nghị quyết, dự án xã hội hóa nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An-sông Hậu là đối tượng được áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt theo quy định tại Điều 20 Luật Đầu tư năm 2020.

Bên cạnh đó, khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của pháp luật, có ranh giới địa lý xác định phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp thẩm quyền phê duyệt và được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi.  

Theo đó, các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là đối tượng được áp dụng chế độ ưu tiên thủ tục hải quan, thời hạn nộp thuế theo quy định pháp luật về hải quan và pháp luật về thuế xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ra, vào.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban nhận thấy, cơ chế, chính sách đặc thù được Chính phủ trình đã bảo đảm tính tương đồng với các thành phố được áp dụng cơ chế đặc thù; phù hợp Nghị quyết 59; song chưa có bước đột phá. Một số chính sách mới đề xuất còn có điểm chưa rõ căn cứ, chưa cụ thể, cần sớm hoàn thiện để bảo đảm tính thuyết phục khi trình Quốc hội thông qua.

Về việc cho phép thành phố Cần Thơ được vay không quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp, đa số ý kiến nhất trí với đề xuất này nhằm góp phần tạo dư địa để thành phố Cần Thơ huy động tối đa nguồn lực, đột phá trong phát triển và cũng tương đồng với mức dư nợ được áp dụng cho một số địa phương như thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng, Thanh Hóa.

Xem xét các điều kiện, phạm vi hưởng ưu đãi

Cho ý kiến về khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ nội hàm, có thể dùng từ “trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”.

Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Cần Thơ nhanh và bền vững -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đồng tình với những ưu đãi về thủ tục hải quan, thủ tục về thuế, thời hạn nộp thuế… Tuy nhiên, nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào trung tâm này thì cần thống nhất có ưu đãi cao hơn để đủ hấp dẫn, nhất là nhà đầu tư về chế biến nông sản.

Với những doanh nghiệp đặc biệt lớn có vốn 30 nghìn tỷ đồng trở lên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nên chăng các doanh nghiệp này được hưởng một số ưu đãi như tiền thuê đất, ưu đãi thuế doanh nghiệp… và được quy định cụ thể trong dự thảo Nghị quyết thì sẽ thuyết phục hơn. Những doanh nghiệp đầu tư vào trung tâm này có thể hưởng thuế suất ưu đãi ngoài các thuận lợi về hải quan, có cơ chế ưu đãi hơn để hấp dẫn nhà đầu tư.

Về Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An-Sông Hậu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần quy định cụ thể toàn bộ chính sách ưu đãi thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào trong dự thảo Nghị quyết. Nếu chưa cụ thể được mà cấp bách thì xin Quốc hội nghiên cứu chủ trương cơ chế ưu đãi cho việc nạo vét luồng hàng hải Định An-Sông Hậu; bên cạnh đó, đề nghị cần tính toán kỹ huy động nguồn lực thế nào.

Liên quan phạm vi, quy mô của Nghị quyết, phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, mặc dù dự thảo lần này đã có nhiều cố gắng, nhưng Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội vẫn băn khoăn đối với những cơ chế, chính sách đặc thù, mới, để Cần Thơ thực sự trở thành đô thị hạt nhân, địa bàn trọng yếu, chiến lược, đầu tầu, dẫn dắt cả vùng.

Nhằm có đủ căn cứ chính trị pháp lý, thực tiễn để Quốc hội xem xét, quyết định, Phó Chủ tịch đề nghị, Chính phủ tiếp tục tập trung làm rõ và quy định cụ thể về cơ chế, điều kiện, phạm vi hưởng ưu đãi…

Liên quan Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An-sông Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, đây là vấn đề hoàn toàn mới, quy định khác biệt so các cơ chế đặc thù đã áp dụng đối với một số địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là cơ chế ưu đãi đối với một dự án cụ thể, là chính sách mang tính thời điểm, nhưng lại có tính chất ổn định để sau khi tổng kết có thể áp dụng lâu dài, là bước đột phá hợp lý.

Bên cạnh đó, phương thức vận chuyển đường thủy trên sông Hậu được triển khai thực hiện hiệu quả và hàng năm vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ bớt được chi phí khoảng 70-100 triệu USD/năm.

Thực tế hiện nay, nhiều đoạn trên sông Hậu, độ sâu khoảng 3m nên chỉ đáp ứng được tàu ra vào khoảng 7.000 tấn; do đó, để phát huy được toàn bộ các cảng đã đầu tư (8 cảng với tổng năng lực thông quan gần 20 triệu tấn hàng hóa/năm) cho tàu ra, vào 10-20 nghìn tấn, thì độ sâu của luồng phải từ 6,5m trở lên.

Đề cập chính sách Khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ, Phó Chủ tịch cho rằng, toàn vùng hiện nay chưa có trung tâm logistics cấp II theo quy hoạch tại Cần Thơ, chủ yếu chỉ dừng lại ở hệ thống kho trong các cảng biển, kho lạnh riêng lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu tập kết và cung ứng hàng xuất khẩu mang quy mô vùng; sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng thấp.

Ngoài ra, do đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua, các sản phẩm nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long không tiêu thụ được nên sản phẩm quá lứa, quá thời gian thu hoạch, bị hư hỏng, ứ đọng gây thiệt hại lớn cho người dân và doanh nghiệp.

Do vậy, trung tâm liên kết hình thành là cần thiết để tạo hệ thống logistics liên hoàn, tận dụng được ưu thế hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, cảng biển, đường hàng không và giải quyết các vấn đề bất cập.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến vào một số nội dung dự thảo Nghị quyết tại đợt 2 của Phiên họp thứ 6 trước khi trình Quốc hội.

* Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV.

Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Cần Thơ nhanh và bền vững -0
 Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu cho ý kiến vào nội dung phiên họp bất thường. (Ảnh: DUY LINH)

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã báo cáo các phương án dự kiến chương trình kỳ họp. Về phương thức tổ chức họp, Quốc hội họp trực tuyến cả kỳ qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, trong đó, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội dự họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội. Việc chia tổ đại biểu Quốc hội đề nghị thực hiện như Kỳ họp thứ 2 vừa qua, chia thành 72 tổ đại biểu Quốc hội. Việc biểu quyết sẽ được thực hiện qua phần mềm cài đặt trên iPad.

Phát biểu kết thúc đợt họp thứ nhất của Phiên họp thứ 6, liên quan nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, tinh thần bảo đảm chất lượng là ưu tiên hàng đầu, chỉ khi nào các nội dung đã bảo đảm được về yêu cầu, chất lượng thì mới tổ chức kỳ họp, tránh trường hợp sửa xong lại xảy ra bất cập hoặc mâu thuẫn với các luật khác.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan hữu quan tiếp tục chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung, hoàn thiện về chủ trương và nội dung, trình xin ý kiến của Bộ Chính trị.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, khối lượng công việc ở các cơ quan vào thời điểm cuối năm là rất lớn, do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sau khi kết thúc đợt 2 của Phiên họp thứ 6 sẽ thống nhất nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường, đồng thời tổ chức Kỳ họp bất thường vào đầu năm 2022, bố trí đủ thời gian cho các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường.