Phát huy tiềm năng du lịch ở đô thị phía đông Thành phố Hồ Chí Minh

NDO - Chiều 8/4, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân quận 7 phối hợp tổ chức Hội nghị giới thiệu các điểm đến đạt chuẩn phục vụ khách du lịch năm 2023 đến với đông đảo người dân và du khách nhằm thực hiện chủ trương “Mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng” của Ủy ban nhân Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Để thực hiện chủ trương trên, quận 7 đã đầu tư, phát triển nhiều sản phẩm du lịch khả thi và có hiệu quả để kéo du khách đến với quận nhiều hơn, từ đó, tạo sự lan tỏa chiến dịch “người thành phố đi du lịch Thành phố”.

Theo ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 7, đến nay quận đã phát triển các loại hình dịch vụ cao cấp với chất lượng tốt để phục vụ khách du lịch trong dịp lễ 30/4 và 1/5 tới gồm: khách sạn, ẩm thực, dịch vụ giáo dục; mua sắm, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe; hội nghị, hội thảo, triển lãm, sự kiện; văn hóa, điểm đến.

“Định hướng phát triển du lịch của quận là đến năm 2045 trở thành điểm đến du lịch sống động, đặc trưng, vì vậy quận 7 đã và đang tiếp tục xây dựng, cập nhật hệ thống dữ liệu về sản phẩm dịch vụ du lịch, kết nối giữa các doanh nghiệp du lịch để triển khai phát triển du lịch đường thủy, khu thể thao giải trí dưới nước, các công viên bờ sông kết hợp cả về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng”, ông Hoàng Minh Tuấn Anh thông tin.

Ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 7 cho biết thêm, Ủy ban nhân dân quận 7 đề xuất với Thành phố chấp thuận chủ trương và mời gọi đầu tư các công viên chuyên đề như: công viên văn hóa Nam Sài Gòn, công viên Mũi Đèn Đỏ, công viên nghỉ dưỡng Hương Tràm; thực hiện đề án phát triển kinh tế đêm

Phát huy tiềm năng du lịch ở đô thị phía đông Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 2

Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) thường xuyên tổ chức các sự kiện lớn của Thành phố.

Tại hội nghị, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến nay, Thành phố có 366 tài nguyên du lịch để cho các đơn vị du lịch, lữ hành khai thác phát triển sản phẩm. Trong đó, có 30 sản phẩm mới của các quận, huyện và thành phố Thủ Đức được xây dựng để làm phong phú, đa dạng sản phẩm du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh nhằm phục vụ, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Thành phố.

Đánh giá về tiềm năng du lịch của quận 7, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu cho rằng, với vị trí nằm ở phía đông Thành phố, quận 7 là trung tâm đô thị mới của Thành phố Hồ Chí Minh với các điểm đến, dịch vụ du lịch như Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), trung tâm mua sắm hiện đại, hệ thống các nhà hàng đa dạng, các điểm vui chơi giải trí hấp dẫn có nhiều lợi thế cho phát triển du lịch.

Phát huy tiềm năng du lịch ở đô thị phía đông Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 3

Quận 7 có nhiều hệ thống nhà hàng đa dạng về ẩm thực.

Quận 7 còn có hệ thống các trường công lập, quốc tế nổi tiếng phù hợp cho sản phẩm du lịch gắn với giáo dục. Các điểm mua sắm tham quan vui chơi giải trí hiện đại như: Crescent Mall, Vivo city Bảo tàng tranh 3D, Cầu Ánh Sao-Hồ Bán Nguyệt, các điểm vui chơi cảm giác mạnh như Đường đua F1 Hello Park.

“Đặc biệt, quận 7 còn có hệ thống các nhà hàng phục vụ ẩm thực đa dạng của Việt Nam và quốc tế… Với những lợi thế trên, quận 7 hoàn toàn có thể xây dựng và phát triển các loại hình du lịch MICE, du lịch ẩm thực, du lịch mua sắm.. nhằm thu hút du khách quốc tế nhiều hơn”, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch, cho biết thêm.

Được biết, tính đến nay, quận 7 đã có 13 cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch đạt chuẩn.