Phát huy tiềm năng để phát triển đột phá

Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã phân tích, đánh giá tiềm năng, lợi thế, nhận diện điểm nghẽn của địa phương trong phát triển kinh tế-xã hội, từ đó xác định các khâu đột phá và vấn đề trọng tâm để triển khai thực hiện đạt kết quả cao nhất.
0:00 / 0:00
0:00
Khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt.
Khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt.

Mục tiêu đến năm 2030, đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; tầm nhìn đến năm 2050, trở thành thành phố trực thuộc trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.

Muốn vậy, Lâm Đồng cần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất và con người; đồng thời khai thác, phát huy các tiềm năng mới, như kết nối hàng không, kết nối giao thông đường bộ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu...

Trở thành điểm đáng đến và đáng sống

Trong Quyết định số 1727/QĐ-TTg (ngày 29/12/2023) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với quan điểm là phát huy tiềm năng, lợi thế tự nhiên và vai trò vị trí của tỉnh trong vùng Tây Nguyên để phát triển nhanh, bền vững; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đồng thời chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp; chú trọng bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp, nâng cao đời sống, sinh kế của người dân gắn với rừng; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, tài nguyên thiên nhiên và liên kết vùng; ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông sản; phát triển công nghiệp khai thác, chế biến bô-xít, alumin, nhôm và các sản phẩm từ nhôm.

Lâm Đồng cần đẩy mạnh liên kết với vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây nguyên, khu vực duyên hải miền trung, các trung tâm kinh tế lớn của cả nước và liên kết giữa các địa phương trong tỉnh; lấy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng số làm động lực, tạo dư địa cho phát triển tỉnh; quản lý và phát triển bền vững hệ thống đô thị, nông thôn; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lâm Đồng có vị trí chiến lược rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên, có hệ thống giao thông đường bộ, cảng hàng không tương đối thuận lợi, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, duyên hải miền trung.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp cho biết: “Quy hoạch tỉnh đã phân tích, đánh giá các tiềm năng, lợi thế; nhận diện các điểm nghẽn để xác định các khâu đột phá và các vấn đề trọng tâm cần giải quyết, hướng tới xây dựng tỉnh Lâm Đồng trở thành điểm đáng đến, đáng sống; khẳng định vị thế và vai trò của tỉnh đối với vùng Tây Nguyên và cả nước”.

Quy hoạch tỉnh với mục tiêu đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; là “thiên đường xanh” với sức hút là các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng-sinh thái chăm sóc sức khỏe-thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á. Trong đó, xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm giáo dục, đổi mới sáng tạo.

Lâm Đồng sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao.

Theo đồng chí Võ Ngọc Hiệp, địa phương ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, logistics dựa trên nền tảng số, chất lượng cao và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ; phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến; đồng thời, tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn; hình thành các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, phát triển đô thị mới gắn với động lực, tiềm năng, thế mạnh từng vùng với tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững.

Phát huy tiềm năng

Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng mới đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, Lâm Đồng phải giữ gìn và phát huy được yếu tố văn hóa đặc sắc của vùng đất và con người nơi đây để phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới. Đồng thời, phát huy các tiềm năng mới, như kết nối hàng không, kết nối giao thông đường bộ, nhất là cao tốc; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu.

Mới đây, Cảng hàng không Liên Khương chính thức trở thành cảng hàng không quốc tế. Đây là cảng hàng không quốc tế đầu tiên của vùng Tây Nguyên, mở ra cơ hội lớn để phát triển du lịch cho địa phương và cả khu vực. Thời gian tới, sẽ có nhiều tuyến đường bộ cao tốc kết nối Lâm Đồng với các địa phương, vùng kinh tế khác, đặc biệt là khu vực Đông Nam Bộ.

Liên kết với vùng và các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, liên kết giữa các địa phương khu vực Tây Nguyên là yếu tố quan trọng giúp Lâm Đồng đột phá, phát triển. Trong đó, lấy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng số làm động lực, tạo dư địa cho phát triển tỉnh. Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả Lê Huỳnh Mai cho rằng, Lâm Đồng là cửa ngõ kết nối vùng kinh tế Đông Nam Bộ với vùng Tây Nguyên, cho nên tuyến cao tốc Dầu Giây-Liên Khương có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng cho tỉnh Lâm Đồng nói riêng và vùng Tây Nguyên.

Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Công ty cổ phần Tập đoàn TH Thái Hương cho rằng, để khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Lâm Đồng và Tây Nguyên, cần cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên nói chung và địa phương, để các dự án đầu tư phát triển theo hướng kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững.

Để thực hiện thành công các mục tiêu Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách; quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; trong đó, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; đồng thời huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhà nước, tư nhân và xã hội để đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tiếp tục tập trung thu hút đầu tư.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học cho rằng, còn nhiều việc phải tiếp tục suy nghĩ và hành động với tư duy đổi mới, quyết tâm cao, biến những ý tưởng quy hoạch thành hiện thực, biến ước mơ thành hành động, để nội dung quy hoạch và những hình ảnh tươi đẹp đi vào cuộc sống, trở thành hiện thực.