Chung tay xây dựng Ia H’Drai giàu đẹp

Dù được thành lập chưa đến 10 năm, huyện biên giới đầy nắng và gió Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum đã thu hút nhiều người đến định cư, xây dựng cuộc sống mới. Rất nhiều công nhân, người lao động chọn gắn bó và xem Ia H’Drai là quê hương thứ hai của mình, từ đó vượt khó, nỗ lực vươn lên.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ, chiến sĩ Chi nhánh 716 (Binh đoàn 15) hướng dẫn công nhân khai thác, chăm sóc cây cao-su.
Cán bộ, chiến sĩ Chi nhánh 716 (Binh đoàn 15) hướng dẫn công nhân khai thác, chăm sóc cây cao-su.

Huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum thành lập năm 2015, trên cơ sở tách ra từ huyện Sa Thầy, cho nên thường được gọi là “huyện mới”. Ia H’Drai tiếp giáp với huyện Đun Mia và Tà Veng của tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia. Toàn huyện có 3 xã: Ia Đal, Ia Dom và Ia Tơi, với hơn 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.

“Nên duyên” cùng huyện mới

Là một trong những hộ gắn bó với Ia H’Drai từ những ngày đầu, anh Vi Văn Đang (thôn 6, xã Ia Đal), cho biết, trước đây, vợ chồng anh đều làm nông ở tỉnh Thanh Hóa và đã có con đầu lòng 2 tuổi. Khi biết thông tin huyện Ia H’Drai đang thu hút người dân vào làm công nhân công ty cao-su, vợ chồng anh quyết định rời quê hương vào đây lập nghiệp.

“Từ hai bàn tay trắng, đến nay cuộc sống của gia đình tôi đã ổn hơn nhiều. Chúng tôi xác định gắn bó lâu dài với mảnh đất này. Với số tiền tiết kiệm mà vợ chồng dành dụm, cộng thêm 100 triệu đồng vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chúng tôi đã xây được căn nhà mới khang trang để an cư, lạc nghiệp”, anh Đang chia sẻ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ia H’Drai Võ Anh Tuấn cho biết, phần lớn người dân trên địa bàn huyện là công nhân trong các công ty cao-su. Địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để người dân yên tâm sản xuất, làm việc, từng bước ổn định đời sống. Huyện đã quy hoạch vị trí đất ở cho các công ty để công nhân có nơi ở ổn định, phối hợp hỗ trợ, chăm lo đời sống cho họ.

“Để giúp người dân có vốn phát triển kinh tế, huyện chỉ đạo các phòng, ban, chính quyền địa phương bám làng sát hộ, chủ động, tạo điều kiện thuận lợi nhất để giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn vay, nhất là vốn của chương trình mục tiêu quốc gia”, đồng chí Võ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Hiện Ia H’Drai đang triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, qua đó lồng ghép hỗ trợ kinh tế hộ gia đình phát triển sản xuất; hỗ trợ triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả, gắn với đề án chương trình OCOP, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị để bảo đảm ổn định nguồn tiêu thụ nông sản.

Chi nhánh 716 (Binh đoàn 15) đóng quân và hoạt động trên địa bàn 7 thôn của 2 xã la Đal và xã la Tơi. Trải qua gần 10 năm xây dựng và phát triển, cây cao-su của đơn vị trải dài

52 km dọc vành đai biên giới. Hằng năm, Chi nhánh 716 tuyển dụng hàng trăm lao động, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số của các tỉnh miền bắc và miền trung vào làm việc. Đơn vị tổ chức đào tạo nghề, bố trí việc làm, tạo thu nhập ổn định cho công nhân, người lao động.

Nhiệm vụ của Chi nhánh 716 không chỉ bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới, mà còn giúp công nhân, người lao động định canh, định cư, giảm nghèo, phát triển kinh tế; qua đó tạo điều kiện để công nhân, người lao động phát triển kinh tế hộ gia đình, yên tâm gắn bó và định cư lâu dài; hình thành những cụm điểm dân cư dọc biên giới, xóa được vùng trắng dân như trước đây.

Thiếu tá Lã Hồng Công, Phó Giám đốc Chi nhánh 716 cho biết, để thu hút dân cư đến đây sinh sống, đơn vị đã giao khoán lâu dài diện tích cao-su cho công nhân, người lao động, bảo đảm thu nhập để họ trang trải cuộc sống. Hiện tất cả diện tích cao-su chi nhánh quản lý đều được đưa vào sản xuất, kinh doanh. Trong đó, một công nhân, người lao động nhận khoán trung bình 3 ha; thu nhập bình quân mỗi tháng từ 7 đến 8 triệu đồng.

Chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp

Để giúp người dân có nhiều cơ hội phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, những năm qua, huyện Ia H’Drai tập trung hướng dẫn, vận động người dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất; triển khai kịp thời các chương trình hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số như về cây, con giống; đầu tư làm đường giao thông, hệ thống nước sạch…

Người dân đã chủ động hơn trong tìm kiếm giải pháp phát triển kinh tế, bảo đảm cuộc sống, đóng góp ngày công lao động, giám sát xây dựng các công trình tại cơ sở; tham gia các mô hình giảm nghèo, như nuôi dê, bò sinh sản, nuôi hươu lấy nhung, nuôi cá nước ngọt…

Các chính sách về an sinh xã hội được huyện Ia H’Drai giải quyết kịp thời, đúng đối tượng, đáp ứng được nhu cầu của người dân. “Nhờ có nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn lực khác, các công trình đường giao thông, trường học, thủy lợi được đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất đã phát huy hiệu quả, giúp người dân có thêm thu nhập”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ia H’Drai Võ Anh Tuấn chia sẻ.

Chúng tôi đến gia đình anh Hà Văn Dần (thôn 6, xã Ia Đal), công nhân cạo mủ cao-su Chi nhánh 716. Trong ngôi nhà mới khang trang, rộng rãi, anh Dần kể, năm 2012, gia đình anh rời quê hương đến với Ia H’Drai với quyết tâm lập nghiệp, xây dựng cuộc sống mới. Những ngày đầu, vùng đất này muôn vàn khó khăn, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì. Vợ chồng anh phải gửi con học bán trú tại trường, cách nhà hơn 50 km. “Giờ thì thay đổi nhiều rồi, đời sống người dân được nâng lên đáng kể.

Thông qua việc Chi nhánh 716 khoán diện tích cao su, công nhân, người lao động đã có nguồn thu nhập ổn định, bền vững”, anh Dần chia sẻ. Cùng với nguồn thu từ làm công nhân nông trường cạo mủ cao-su, vợ chồng anh Dần còn tận dụng các khu vực đất bờ lô, hợp thủy của nông trường (vùng dốc không trồng được cao-su) để tăng gia sản xuất, như trồng thêm ngô, sắn, chăn nuôi lợn. Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Thiếu tá Lã Hồng Công cho biết, để công nhân, người lao động yên tâm công tác, Chi nhánh 716 đã xây dựng các điểm trường mầm non và cơ sở để chăm sóc, nuôi dạy cho con em công nhân. Năm học 2023-2024, Trường mầm non MB-716 được đầu tư xây dựng 1 trường trung tâm, với tổng kinh phí 14 tỷ đồng, bảo đảm tốt công tác chăm sóc và nuôi dạy các cháu. Từ nguồn vốn Bộ Quốc phòng, Binh đoàn, Chi nhánh 716 đã đầu tư cấp đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị phục vụ giảng dạy cho trường trung tâm và 10 điểm nhà trẻ, với tổng kinh phí hơn 550 triệu đồng.

Huyện Ia H’Drai đang ngày càng khởi sắc. Những con đường nhựa, bê-tông liên thôn, liên xã đã thay cho những con đường gập ghềnh trước kia; những ngôi nhà khang trang đã thay màu xưa cũ; đời sống người dân được nâng cao. Nhiều công nhân, người lao động xem Ia H’Drai là quê hương thứ hai và chung sức, đồng lòng xây dựng vùng đất phên dậu ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh.