Hơn một trăm cán bộ nghiên cứu khoa học, cán bộ Mặt trận, các đoàn thể ở T.Ư, các nhân sĩ, trí thức, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tới dự.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội thảo, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt nêu rõ: Ðây là một trong những hoạt động thiết thực của MTTQ Việt Nam góp phần cùng đồng bào, đồng chí ở trong nước và nước ngoài kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Bác Hồ đã chỉ rõ: Chính sách Mặt trận là chính sách rất quan trọng, công tác Mặt trận là công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng, và đoàn kết là một lực lượng vô địch, lực lượng đoàn kết đã giúp Cách mạng Tháng Tám thành công, lực lượng đoàn kết đã giúp kháng chiến thắng lợi, lực lượng đoàn kết sẽ động viên nhân dân từ bắc chí nam đấu tranh để thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước. Tư tưởng Hồ Chí Minh gồm hệ thống những quan điểm toàn diện, nhất quán và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Trong hệ thống những quan điểm đó, nổi lên tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất.
Ðồng chí Hoàng Tùng, nguyên Bí thư T.Ư Ðảng, trong tham luận nhan đề "Chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc của Hồ Chí Minh" nhấn mạnh: "Bác Hồ là người đặt nền tảng cho hệ thống lý luận và tư tưởng chỉ đạo các lực lượng cách mạng ở nước ta, lấy Ðảng Cộng sản là lực lượng trung tâm". Theo đồng chí Hoàng Tùng, dân tộc ta, nhân dân ta vốn là một dân tộc, một nhân dân anh hùng. Ðảng phất cao ngọn cờ khởi nghĩa tập hợp mọi lực lượng yêu nước và dân chủ vào một Mặt trận thống nhất dân tộc, thì đủ sức tiến hành thắng lợi một cuộc tổng khởi nghĩa trong cả nước. Ðảng ta và nhân dân ta đã làm đúng như vậy và đã thành công. Mặt trận Việt Minh đã thực hiện xuất sắc sứ mạng lịch sử của mình. So sánh thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với chiến thắng Ðiện Biên Phủ, đồng chí Hoàng Tùng cho rằng, Việt Nam đã đánh thắng đế quốc Mỹ bằng lực lượng mạnh hơn và cách đánh có hiệu quả hơn. Nền tảng sức mạnh ấy và cả cách đánh là sự tập hợp lực lượng trong ba mặt trận chính trị ở trong nước và một mặt trận trên thế giới.
Ðồng chí Cù Thị Hậu, Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ tịch Tổng LÐLÐ, nhắc lại tư tưởng nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết toàn dân tộc đã thấm nhuần vào cương lĩnh cách mạng của Ðảng Cộng sản Việt Nam, vào tâm khảm và hành động của nhân dân ta, trở thành sức mạnh to lớn trong đấu tranh giải phóng dân tộc và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Theo đồng chí Cù Thị Hậu: Ngày nay chúng ta tiến hành CNH, HÐH, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong điều kiện toàn cầu hóa đang diễn ra như một xu thế khách quan lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia, và âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta. "Bối cảnh đó đòi hỏi phải quán triệt sâu sắc tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm không ngừng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Ðây thật sự là vấn đề có ý nghĩa chiến lược quan trọng, quyết định thành bại của sự nghiệp cách mạng do Ðảng ta lãnh đạo. Ðảng, Nhà nước cần có những chủ trương, giải pháp đồng bộ bằng tổng hợp các biện pháp kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội, tổ chức. Trong đó vấn đề có ý nghĩa quan trọng quyết định là khối đại đoàn kết toàn dân trong MTTQ Việt Nam luôn luôn được củng cố và phát triển sâu rộng trên cơ sở liên minh vững chắc giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Ðề cập vấn đề phát huy vai trò của giai cấp nông dân Việt Nam trong sự nghiệp CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí Vũ Ngọc Kỳ, Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cho rằng đó là "một quá trình động", các yếu tố quyết định quá trình đó không thể tách rời sự lãnh đạo trực tiếp của Ðảng, sự quản lý của Nhà nước, sự hợp tác phát triển với giai cấp công nhân, tầng lớp trí thức trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhiều ý kiến tại hội thảo đã nêu bật những thành tựu to lớn của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam trong suốt những chặng đường lịch sử của dân tộc. Nhờ đoàn kết, đấu tranh thắng lợi, Mặt trận ngày nay phát triển rộng lớn, vững chắc chưa từng có, đảm đương được những nhiệm vụ cao cả. Theo GS Văn Tạo, đó là: Ðoàn kết hơn 80 triệu người Việt Nam cư trú trên lãnh thổ Việt Nam và một bộ phận đáng kể là Việt kiều. Ðoàn kết toàn dân trong một quốc gia đa dân tộc, nhiều sắc tộc. Ðoàn kết một cộng đồng dân tộc nhiều tôn giáo và có cả một bộ phận lớn không tôn giáo. Ðoàn kết trong dựng nước với mục tiêu phấn đấu: "Giữ vững độc lập, thống nhất, vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" trong bối cảnh quốc tế nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn do xu thế hiện đại hóa, toàn cầu hóa, quốc tế hóa mang lại. Ðoàn kết giữ nước trong bối cảnh quốc tế đa cực, có sự lũng đoạn của các siêu cường và sự phát triển mới chưa từng có của vũ khí hủy diệt.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Lê Truyền, tư tưởng đại đoàn kết dân tộc mà Bác Hồ đã dày công vun đắp và thắp sáng cả về lý luận và thực tiễn bao gồm sức mạnh đại đoàn kết trong Ðảng, đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, và cũng chính Bác Hồ là người sáng lập và lãnh đạo Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Cách mạng càng tiến lên thì càng đòi hỏi phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, càng mở rộng và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc là: Lấy đại nghĩa làm trọng, lấy mục tiêu chung làm điểm tương đồng, nhận biết những điểm còn khác biệt và tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về ý thức hệ, quá khứ, thành phần, giai cấp và địa vị xã hội... xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, tạo sự đồng thuận xã hội, hướng tới tương lai.
Bí thư T.Ư Ðoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Nông Quốc Tuấn khẳng định: Là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên, Hội LHTN Việt Nam nguyện tin theo Ðảng, học tập và hành động theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phối hợp chặt chẽ với tổ chức Ðoàn các cấp, chỉ đạo các cấp bộ Hội trong cả nước triển khai có hiệu quả năm cuộc vận động để mỗi thanh niên Việt Nam đều phát huy tinh thần "Ðoàn kết, sáng tạo, thi đua, tình nguyện, lập thân, kiến quốc", thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất đã được các đại biểu đề cập dưới nhiều góc độ khác nhau rất phong phú và sâu sắc. Phát biểu của các đồng chí: Cư Hòa Vần, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH; GS Phan Hữu Dật, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân tộc của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, đều khẳng định: Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc, thể hiện ở chỗ nhìn nhận đánh giá tất cả các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam dù lớn hay nhỏ đều có truyền thống đoàn kết, yêu nước và tinh thần cách mạng như nhau. Tư tưởng Hồ Chí Minh, được thể hiện nhất quán, trong chính sách và luật pháp của Ðảng và Nhà nước ta. Ðó là: Bình đẳng, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Ông Ya Duck, Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Lâm Ðồng cho rằng: Một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng, đó là đường lối, chính sách dân tộc đúng đắn của Ðảng và Nhà nước, các dân tộc trong nước đoàn kết tương trợ giúp nhau cùng phát triển. Ðường lối ấy đã giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc, đem lại quyền bình đẳng thật sự giữa các dân tộc. Từ đó Ðảng, Nhà nước ta đã đề ra nhiều chính sách cụ thể nhằm nâng cao dân trí, phát triển kinh tế, văn hóa ổn định, cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo và đoàn kết lương giáo được nhiều đại biểu tham luận tại hội thảo. Linh mục Nguyễn Tấn Khóa, Chủ tịch ủy ban đoàn kết công giáo Việt Nam phát biểu chân thành: Ðối với đạo công giáo, Bác Hồ có một tình cảm đặc biệt. Dù công việc kháng chiến bận bịu, cứ mỗi dịp Nô-en về, Người lại viết thư cho đồng bào công giáo. Ngay sau khi thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ mới tuyên bố: "Tín ngưỡng tự do. Lương giáo đoàn kết". Ðặc biệt, Sắc lệnh số 234SL ngày 14-6-1955 quy định khá chặt chẽ quyền "tự do thờ cúng của nhân dân, quyền của các giáo hội tham gia vào hoạt động xã hội và các sinh hoạt tôn giáo riêng của mình". Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khẳng định: Ngày nay, đất nước đã độc lập, thống nhất thật sự, và nhất là đang tiến lên trên con đường phát triển, đồng thời, đất nước chúng ta cũng đang chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Hội nhập với sự phát triển không ngừng của đất nước, đồng hành với nhân dân trong mọi sinh hoạt để mang lại ấm no hạnh phúc cho nhiều người, lý tưởng này mãi mãi soi sáng con đường đi của tăng ni, phật tử và cũng là phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra: Phục vụ đạo pháp, dân tộc và chúng sinh.
Ý kiến phát biểu của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm tại hội thảo được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đồng chí, tư tưởng đoàn kết, đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh luôn gắn kết chặt chẽ nhuần nhuyễn với tinh thần đoàn kết quốc tế là một tư tưởng lớn xuyên suốt cả cuộc đời hoạt động của Người, có tác dụng cực kỳ to lớn, tập hợp lực lượng của cả dân tộc kết hợp với lực lượng của bạn bè quốc tế, làm nhân lên gấp bội sức mạnh của mình tạo thành sức mạnh tổng hợp chiến thắng xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do, thực hiện thống nhất, chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng cuộc sống mới.
Chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Bùi Kiến Thành, Việt kiều ở Mỹ, cũng là đại biểu tham gia hội thảo. Ông Thành khẳng định, đây là một cuộc hội thảo lớn, đóng góp trí tuệ của đông đảo các cán bộ nghiên cứu khoa học, hoạt động thực tiễn ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, nhằm nghiên cứu một đề tài trọng đại cho tiền đồ của đất nước và đưa ra những kế sách phù hợp nhu cầu phát triển của thời đại. Thể hiện trách nhiệm trước toàn dân và trước lịch sử nhằm thực hiện khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, kiện toàn nền độc lập tự do cho đất nước và mưu cầu hạnh phúc cho mọi nhà. Hơn ba triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài phấn khởi đón nhận Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị. Kiến nghị Nhà nước, Mặt trận cần sớm tạo cơ sở pháp lý cần thiết để tất cả người Việt Nam dù ở đâu cũng nhận thấy mình là người Việt Nam với đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của một công dân.
Nhiều bài tham luận của các đại biểu cho rằng, sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" đang đòi hỏi toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta thực hiện chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc ở tầm cao mới, đi vào chiều sâu mới. Ðồng thời đổi mới, mở rộng và nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam tương xứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới. "Ðoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công" đã trở thành lời hiệu triệu, là tiếng gọi của non sông, đất nước, có sức cổ vũ, động viên, tập hợp đoàn kết mọi cá nhân, mọi tổ chức và cả cộng đồng, tạo thành sức mạnh vô địch của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do trước đây, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.