Phát huy sức dân trong xây dựng khu dân cư sạch đẹp

Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực xây dựng đô thị văn minh, trong đó mục tiêu xây dựng các khu dân cư sạch, đẹp, an toàn là một trong những nội dung được các cấp chính quyền của thành phố tập trung thực hiện thông qua những mô hình, cách làm hay từ việc huy động sự chung tay của các tầng lớp nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc thành phố và UBND quận 8 trồng cây xanh tại công viên Him Lam, quận 8.
Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc thành phố và UBND quận 8 trồng cây xanh tại công viên Him Lam, quận 8.

Từ nhiều năm nay, các hộ dân trong tổ 10, khu phố 2, phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức đều đặn dành 15 phút ngày cuối tuần để tổng vệ sinh, dọn dẹp tuyến hẻm. Ông Trần Trung Sơn, tổ trưởng tổ dân phố cho hay, dù các hộ dân sinh sống trong tổ là rất nhiều thành phần, đối tượng khác nhau nhưng “truyền thống” này đã được duy trì nhiều năm để bảo đảm môi trường luôn được sạch, đẹp, tạo cho các em thiếu nhi, học sinh có một sân chơi an toàn, lành mạnh.

Theo ông Sơn, để công việc được triển khai định kỳ như hiện nay, thời gian đầu, ban công tác Mặt trận khu phố cũng tổ chức nhiều cuộc họp, nêu những mặt tích cực của việc người dân tham gia đóng góp vào phong trào chung để giữ gìn vệ sinh môi trường cho khu phố. Thậm chí, lúc trước một số hộ tỏ thái độ không quan tâm nhưng khi thấy nhiều hộ tham gia, tuyến đường vào hẻm lúc nào cũng tươm tất, sạch đẹp nên đã tự giác cùng chung tay với bà con.

Còn tại quận 8, địa phương đang có quá trình đô thị hóa nhanh, lượng người dân nhập cư khá đông, vấn đề xây dựng nếp sống văn minh đô thị, khu dân cư sạch đẹp cũng luôn được lãnh đạo quận tập trung thực hiện. Chủ tịch UBND quận 8 Trần Thanh Tùng cho biết: Với quyết tâm nâng tiêu chuẩn, mức sống, trong đó có vấn đề về môi trường, UBND quận đã triển khai nhiều mô hình lấy người dân làm trung tâm để hướng đến mục tiêu đến năm 2024, toàn bộ 97 khu phố của quận đạt tiêu chí khu dân cư sạch, đẹp.

Theo ông Trần Thanh Tùng, để đạt được mục tiêu này, quận đề ra kế hoạch thực hiện theo từng giai đoạn: Đến hết năm 2022, toàn quận có 32 khu phố đạt khu phố sạch, đẹp; năm 2023 là 64 khu phố. Quận sẽ duy trì và phát triển thêm các mô hình “lấy dân làm gốc” triển khai thời gian qua như: Mô hình “15 phút vì thành phố văn minh, sạch đẹp” vào sáng chủ nhật hằng tuần với sự tham gia của người dân sinh sống tại khu vực; mỗi khu phố có ít nhất một điểm hoặc tuyến đường, hẻm “xanh-sạch-đẹp”;...

Ngoài ra, 100% khu phố đăng ký vận động, thực hiện ký cam kết các điểm thường xuyên xảy ra tình trạng tiếng ồn do sử dụng loa công suất lớn sai quy định. Đồng thời, chuyển hóa, chấm dứt vi phạm 80% các điểm trên; 50% hộ dân trở lên có trồng cây xanh hoặc tạo mảng xanh trong khuôn viên nhà ở; 50% hộ dân của khu dân cư tự giác, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các hoạt động bảo vệ môi trường; 60% tuyến hẻm, tuyến đường, kênh mương được trồng cây xanh hoặc tạo mảng xanh.

Trong nỗ lực xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, sạch đẹp về môi trường, những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều chương trình, cuộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.

Các chương trình này đã và đang tạo ra những kết quả cụ thể về môi trường, rõ nhất là tại các khu dân cư, khu vực công cộng, nhiều mảng xanh, công viên đã mọc lên để thay thế các bãi rác tự phát, “điểm đen” về ô nhiễm môi trường, tệ nạn. Quan trọng hơn, các cuộc vận động đã từng bước thay đổi, nâng cao ý thức của người dân thành phố về vấn đề bảo vệ môi trường.

Để chất lượng sống tại các khu phố, khu dân cư tiếp tục được nâng cao, mới đây, UBND và Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết chương trình phối hợp về bảo vệ môi trường với những nội dung cụ thể như: Phấn đấu đến cuối năm 2022, xây dựng 500 khu dân cư được công nhận khu dân cư sạch, đẹp; trong đó mỗi phường, xã, thị trấn có ít nhất một khu dân cư sạch, đẹp được công nhận; đến cuối năm 2023, xây dựng 1.000 khu dân cư được công nhận khu dân cư sạch, đẹp; đến cuối năm 2024, hoàn thành chỉ tiêu xây dựng 1.500 khu dân cư sạch, đẹp.

Nhấn mạnh về ý nghĩa của chương trình này, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh Trần Kim Yến cho biết: Công tác bảo vệ môi trường luôn là một trong những nội dung trọng tâm được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố quan tâm, đầu tư, đẩy mạnh thực hiện thông qua nhiều giải pháp cải thiện môi trường, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư, trồng nhiều cây xanh. Công tác này sẽ đạt hiệu quả, thành công hơn khi có sự chung tay, đồng hành của các tầng lớp nhân dân, đơn vị, tổ chức,... thông qua những việc làm cụ thể, những giải pháp, mô hình hiệu quả gắn với tình hình thực tế của từng đơn vị, từng địa phương, qua đó góp phần chung tay xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Theo đồng chí Trần Kim Yến, để công tác này đạt hiệu quả, các cấp chính quyền cần tập trung tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, các hộ gia đình tăng mảng xanh. Đồng thời, tăng cường nhân rộng các mô hình, điển hình cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường, phát triển mảng xanh, các điểm xanh-sạch-đẹp; vận động người dân tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công, kinh phí, nguyên vật liệu cho phong trào xây dựng, cải tạo hẻm, đường, rãnh thoát nước thải ở khu dân cư.

Ngoài ra, định hướng xây dựng khu dân cư sạch, đẹp theo hướng khơi gợi tinh thần, ý thức, trách nhiệm của người dân và các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp đồng lòng thực hiện trên cơ sở điều kiện thực tế hiện có, kết hợp việc tập trung cải tạo xóa bỏ các “điểm đen” về ô nhiễm môi trường.

Mặt trận thành phố cũng kiến nghị, bên cạnh công tác tuyên truyền thì vấn đề kiểm tra và tăng cường xử lý các hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực môi trường cũng phải được triển khai thường xuyên, nghiêm túc để răn đe, chế tài các hành vi gây tác động xấu đến môi trường.