Phát huy sức dân trong bảo vệ an ninh trật tự

Từ sự hỗ trợ, phối hợp của lực lượng công an các cấp, trong các khu vực dân cư đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả về bảo vệ an ninh trật tự. Nhiều mô hình khi mới bắt đầu thành lập đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều về tính khả thi nhưng đi vào hoạt động đã mang lại những hiệu quả cụ thể.
0:00 / 0:00
0:00
Công an phường Tân Chánh Hiệp hướng dẫn người dân sử dụng bình chữa cháy trong quá trình triển khai mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy”.
Công an phường Tân Chánh Hiệp hướng dẫn người dân sử dụng bình chữa cháy trong quá trình triển khai mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy”.

Dù mới thành lập từ năm 2015 đến nay nhưng mô hình “Tổ công nhân đường phố phòng, chống tội phạm” đã cho thấy tính hiệu quả. Thông qua sự phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Bình Thạnh, Công an quận và Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ công ích quận Bình Thạnh, 390 công nhân được chia thành tổ, nhóm; lực lượng bảo vệ dân phố có 89 Tổ bảo vệ dân phố phụ trách tại các khu phố.

Theo thống kê của Công an quận Bình Thạnh, từ khi hoạt động cho đến nay, Tổ công nhân đã trực tiếp tham gia hỗ trợ, kết nối để giải quyết 38 vụ việc liên quan an ninh trật tự.

Xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè với tốc độ đô thị hóa nhanh đã góp phần nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên, mặt trái của thực tế này là tình hình an ninh trật tự cũng có nhiều xáo trộn tiêu cực.

Để ngăn ngừa chủ động vấn đề này, Công an xã đã đề ra mô hình lắp camera an ninh trên địa bàn xã. Trước đó, khi xã hội hóa để thực hiện mô hình này, nhiều người dân còn nghi ngờ về tính hiệu quả nhưng sau một thời gian thực hiện, tình hình an ninh trên địa bàn ổn định, các loại tội phạm đều giảm, nhất là tệ nạn ma túy, tệ nạn đá gà...

Đến nay, toàn xã đã vận động hàng chục hộ dân tham gia mô hình camera với 299 mắt camera. Từ năm 2021 đến nay, số vụ phạm pháp hình sự đã được kéo giảm 23 vụ (giảm 36%) so với cùng kỳ. Qua giám sát camera, đơn vị chức năng cũng đã truy xét, khám phá 42 vụ phạm pháp hình sự.

Ngoài ra, mô hình camera giám sát còn giúp tổ công tác của Ủy ban nhân dân xã Nhơn Đức xử lý triệt để các phương tiện, tụ điểm mua bán lấn chiếm lòng, lề đường, các trường hợp nghi vấn xây dựng trái phép, các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường,...

Đây là hai trong số các mô hình về bảo đảm an ninh trật tự trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” được triển khai hiệu quả tại địa phương. Đánh giá về công tác này, Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, giai đoạn 2013-2023, các đơn vị, thành viên đã phát huy vai trò, trách nhiệm để chung tay thực hiện các mô hình hiệu quả, qua đó góp phần bảo đảm an ninh trật tự, ổn định đời sống của nhân dân thành phố.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Minh Tuấn, triển khai chương trình toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên phối hợp với Công an thành phố, các địa phương, phối hợp đồng bộ trong nhiều hoạt động để đề xuất, triển khai các mô hình phòng chống tội phạm hiệu quả ở tất cả các địa phương.

Theo ông Phạm Minh Tuấn, việc đổi mới nội dung triển khai, hình thức tuyên truyền đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Với “thế trận nhân dân” vững chắc, 10 năm qua, người dân đã cung cấp cho các cơ quan chức năng hơn 271.000 nguồn tin liên quan để xác minh, làm rõ hơn 35 nghìn vụ việc, bắt giữ 38.000 đối tượng, thu hồi tài sản gần 87 tỷ đồng đối với các hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, người dân còn trực tiếp bắt hơn 6.600 đối tượng phạm tội quả tang, thu hồi tài sản hơn 60 tỷ đồng. Nhờ đó, tình hình phạm pháp hình sự trên địa bàn thành phố từ năm 2013 đến nay liên tục kéo giảm qua từng năm, cụ thể: năm 2013 xảy ra 6.218 vụ, năm 2022 xảy ra 4.266 vụ, so với năm 2013 giảm 1.952 vụ, tỷ lệ 31,39%.

Thời gian qua, các đơn vị cũng phối hợp đánh giá hiệu quả công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, đồng thời chấn chỉnh, thanh loại các mô hình không còn phù hợp, hiệu quả. Năm 2014 có 122 loại mô hình đến nay còn 39 loại mô hình tự phòng, tự quản về an ninh trật tự hiệu quả, nổi bật là Mô hình “Camera giám sát an ninh trật tự”; “Câu lạc bộ gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội” và “Tổ tư vấn cộng đồng”; “Đội cán sự xã hội tình nguyện”;…

Đánh giá về những bất cập, hạn chế của chương trình phối hợp qua 10 năm triển khai, Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền của công an địa phương vẫn còn chậm; hình thức và nội dung chưa đi vào cụ thể và phù hợp với đặc điểm tình hình từng đơn vị, địa phương. Công tác nắm thông tin địa bàn, báo cáo sơ kết, tổng kết ở một số địa phương còn chậm trễ, chưa đầy đủ và phản ánh đúng thực chất.

Từ đó, Mặt trận Tổ quốc và Công an thành phố nêu một số kiến nghị, đề xuất Bộ Công an, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các bộ, ban, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm hơn nữa công tác xây dựng nhân rộng các mô hình tự quản, tự phòng về an ninh trật tự có hiệu quả để thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

Thực hiện việc hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các loại mô hình được đánh giá hoạt động hiệu quả, đồng thời đưa việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các loại mô hình vào bình xét thi đua hằng năm của các đơn vị, địa phương.