Phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở

Gắn quy chế dân chủ ở cơ sở với từng nhiệm vụ cụ thể, vừa là nhiệm vụ quan trọng, vừa là giải pháp của từng cơ quan, đơn vị. Cách làm ấy của các cấp, các ngành của thành phố Hà Nội đang phát huy hiệu quả, "tranh thủ" được sự đóng góp của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Ðại diện người dân phường Việt Hưng, quận Long Biên phát biểu tại hội nghị đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. (Ảnh THANH NHÀN)
Ðại diện người dân phường Việt Hưng, quận Long Biên phát biểu tại hội nghị đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. (Ảnh THANH NHÀN)

Là địa bàn phát triển nhanh, có nhiều dự án phải giải phóng mặt bằng, nhưng trong thời gian qua, phường Xuân La (quận Tây Hồ) không để xảy ra khiếu kiện, trở thành điểm "nóng".

Khi người dân đồng thuận

Có được kết quả đó, theo Bí thư Ðảng ủy phường Xuân La Nguyễn Mạnh Tiến, là nhờ phường đã vận dụng hiệu quả quy chế dân chủ. Từ đầu năm 2022 đến nay tất cả 17 tổ dân phố hoàn thành tổ chức hội nghị đại biểu nhân dân, với 217 ý kiến tham gia ý kiến đóng góp. Tỷ lệ hộ dân được phát phiếu xin ý kiến 6.533/6.604 đạt tỷ lệ 98,9% đã tạo sự đồng thuận cao trong việc triển khai các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.

Tại phường Trúc Bạch (quận Ba Ðình), Ủy ban nhân dân niêm yết công khai 111 thủ tục hành chính cấp phường và 59 thủ tục hành chính liên thông thuộc 12 lĩnh vực tại bộ phận "một cửa" của phường; niêm yết công khai đề án tổ chức khu phố ẩm thực kết hợp đi bộ tại Ðảo Ngọc Ngũ Xã. Phường cũng ban hành các quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Ủy ban nhân dân; công khai các loại quỹ đóng góp của dân. Nhờ phát huy dân chủ ở cơ sở, từ năm 2020 đến nay, nhân dân đã tự nguyện tham gia đóng góp kinh phí hỗ trợ xây dựng các dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Các dự án đều được phường công khai cho nhân dân và cử người giám sát…

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hoài Ðức Trần Văn Nghĩa cho biết, thời gian qua, việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã được Huyện ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng và quản lý trật tự xây dựng. Cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng, Ủy ban nhân dân huyện cũng ban hành quy chế nội bộ thực hiện dân chủ trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chú trọng tuyên truyền, vận động và đối thoại với người dân trong diện thu hồi đất để giải phóng mặt bằng. Kết quả là từ tháng 1/2021 đến nay, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo triển khai thực hiện 38 dự án, liên quan tới 2.443 hộ gia đình, cá nhân, với diện tích 31,76ha, tương ứng số tiền chi trả là 354,18 tỷ đồng. Huyện đã công khai 55 phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của 22 dự án, với 2.717 hộ ảnh hưởng, trên tổng diện tích 37,18ha và số tiền là 409 tỷ đồng, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Ở khối sở, ngành, quy chế dân chủ cũng được xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, hằng năm Sở đều tổ chức hội nghị cán bộ, công chức nhằm phát huy dân chủ trực tiếp. Sở luôn chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính; giải quyết 34 thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa" bảo đảm công khai, minh bạch. Từ đầu năm 2021 đến hết ngày 15/9/2022, Sở đã tiếp nhận và trả kết quả 8.472 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (đạt 100%), không có hồ sơ nào giải quyết quá thời hạn; không có vụ việc kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo về việc giải quyết thủ tục hành chính.

Gắn với nhiệm vụ cụ thể

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ thành phố, phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" được các cấp chính quyền, cơ quan thực hiện nghiêm túc, đã phát huy đầy đủ quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân. Ðáng chú ý, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với công tác cải cách hành chính có chuyển biến tích cực; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt cao; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được triển khai tại tất cả 579 xã, phường, thị trấn. Ý thức trách nhiệm và năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức cơ bản được nâng lên. Việc tổ chức đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân được các cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở nghiêm túc thực hiện. Ở cấp thành phố, lãnh đạo Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố đã tiếp xúc, đối thoại với đoàn viên, thanh niên, công nhân lao động và đại diện nông dân tại 406 điểm cầu các xã, phường. Ðối với cấp huyện, cấp xã đã tổ chức hàng trăm hội nghị đối thoại định kỳ, đột xuất, qua đó giải đáp, tháo gỡ và giải quyết nhiều vấn đề dân sinh người dân, doanh nghiệp đang quan tâm.

Những việc làm thiết thực như vậy đã giúp cho quy chế dân chủ ở cơ sở được cụ thể hóa một cách đầy hiệu quả. Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện quy chế, trong đó cần đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò người đứng đầu; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội. Các cơ quan, đơn vị cần gắn việc thực hiện quy chế dân chủ với thực hiện nhiệm vụ chính trị; tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện cải cách hành chính trong quy trình giải quyết công việc với các tổ chức, công dân, nhất là các đơn vị thường xuyên phải tiếp xúc, giải quyết công việc cho nhân dân; nâng cao chất lượng hội nghị cán bộ, công chức trong cơ quan để lắng nghe ý kiến, đóng góp của cán bộ, công chức; đồng thời nêu cao vai trò của Ban Thanh tra nhân dân để kịp thời nắm bắt các vụ việc, giải quyết ngay từ cơ sở.