Phát huy nguồn nhân lực làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Tại nhiều tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ, bằng nhiều giải pháp, công tác này đã mang lại kết quả bước đầu và hứa hẹn sẽ có bước tiến mới…
Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp tìm hiểu, đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp tìm hiểu, đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Anh Hồ Huỳnh Thi, sinh năm 1993, ở xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp làm việc ở Nhật Bản 5 năm. Sau khi hoàn thành hợp đồng lao động về nước, anh tham gia giảng dạy và làm công tác quản lý ở Công ty TNHH Sen Đại Dương. Những khó khăn mà cha mẹ anh phải đối mặt để lo cho hai anh em ăn học đã trở thành động lực mạnh mẽ giúp anh Thi vươn lên trong cuộc sống.

Anh Thi cho biết, sau khi tốt nghiệp cao đẳng, anh đi lao động ở Nhật Bản. Hết hạn hợp đồng 3 năm, anh được gia hạn quay lại Nhật Bản để học hỏi thêm kinh nghiệm, trau dồi thêm tiếng Nhật. Hoàn thành chương trình 5 năm thực tập sinh trở về nước, anh trở thành giáo viên dạy tiếng Nhật và chia sẻ kinh nghiệm làm việc, sự hiểu biết về đất nước, con người Nhật Bản cho các lao động trẻ.

Anh Nguyễn Chương Phi ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cũng sang Nhật Bản lao động, anh không chỉ làm việc nghiêm túc để tăng thu nhập, tích lũy vốn, mà còn chủ động học tập các chuyên môn cần thiết. Sau 3 năm anh trở về nước, cùng gia đình đầu tư cơ sở sản xuất rau củ sấy rồi dần mở rộng thành Công ty TNHH Quang Vinh.

Với phương châm “đi làm thuê về làm chủ”, 10 năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã đưa gần 15.000 người lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng, tập trung nhiều nhất ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Qua khảo sát 1.107 người đi làm việc ở nước ngoài trở về tỉnh, có 43 lao động khởi nghiệp mở cơ sở sản xuất, kinh doanh. Còn tỉnh Vĩnh Long, bình quân mỗi năm đưa hơn 1.100 người lao động ra nước ngoài làm việc; riêng năm 2023, đã có tới 1.706 lao động đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) làm việc.

Liên quan công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, tỉnh Đồng Tháp đã ban hành sáu nghị quyết, chủ yếu là các chính sách đặc thù của tỉnh. Những đột phá về chính sách của tỉnh không chỉ làm tăng số người lao động, mà còn tiếp cho họ có thêm động lực để “tăng tích lũy tiền trong túi, nghề trong tay và tinh thần tiến thân trong đầu” thông qua tác phong, công nghệ ở xứ người. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phú Hiếu cho biết, nhiều lao động, đi làm việc ở nước ngoài trở về địa phương trở thành gương điển hình, cùng trung tâm phối hợp truyền lửa cho những em tiếp theo.

Thực tế cho thấy, bình quân một lao động đi làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc, sau khi trừ các khoản chi phí còn lại khoảng từ 20 - 25 triệu đồng/tháng, đây là nguồn thu nhập khá cao. Ước tính nguồn tiền từ người đi xuất khẩu lao động của cả tỉnh Đồng Tháp gửi về cho gia đình mỗi năm hơn 1.300 tỷ đồng, góp phần cải thiện thu nhập và nâng cao mức sống của nhiều gia đình. Người lao động còn được rèn luyện, trau dồi kỹ năng trong sản xuất, kinh doanh, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ tay nghề để về quê hương áp dụng trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống...

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng cho biết, công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài phải được tổ chức thực hiện chặt chẽ, đồng bộ hơn nữa. Không chỉ đơn thuần đưa lao động phổ thông đi tiếp cận thị trường mới mà còn chú trọng giáo dục định hướng cho người lao động chuẩn bị tâm thế tốt để về quê lập nghiệp.

Người lao động có kỹ năng, kiến thức ở chuyên ngành, lĩnh vực gì sẽ được ưu tiên sắp xếp ở ngành nghề đó nhằm tiếp cận nhanh, học được kỹ thuật tiên tiến của nước bạn. Tỉnh cũng sẽ tăng cường mối quan hệ ngoại giao, tìm hiểu, khảo sát, mở rộng thị trường lao động nước ngoài, nghiên cứu hướng đến thị trường lao động của các nước Australia, Đức, Canada, Ba Lan...

Hiện nay, người lao động ở Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ không hoàn lại chi phí ban đầu tối đa 13,8 triệu đồng/lao động và vay vốn làm chi phí xuất cảnh không quá 110 triệu đồng/lao động, đã góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Thanh cho biết, thời gian tới, tỉnh chú trọng phát triển thị trường lao động hướng đến việc làm bền vững, xác lập các nguyên tắc sử dụng và quản lý lao động phù hợp sự phát triển của thị trường, xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long Huỳnh Thị Mỹ Hà, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tư vấn định hướng cho người lao động, trang bị năng lực, kỹ năng chuyên môn - tay nghề, ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết khác. Điều này giúp chuẩn bị các điều kiện phát triển nghề nghiệp sau khi hết hạn hợp đồng.

Ông Nguyễn Gia Liêm, chuyên gia cao cấp, cố vấn Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cho rằng, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành trong việc xây dựng quy định cụ thể và tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp xuất khẩu lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp…