Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự án VnSAT là một trong những dự án lớn của bộ với ngành hàng chính là lúa gạo ở ÐBSCL và cà-phê tại Tây Nguyên. Sau một thời gian thực hiện, kết quả các tiêu chí về sản xuất, đầu ra của sản phẩm đã đạt được. Tại ÐBSCL, dự án VnSAT - Hợp phần phát triển lúa gạo bền vững thực hiện ở tám địa phương. Từ đầu dự án đến năm 2020, tám tỉnh đã giải ngân 1.068 tỷ đồng. Trong năm 2020, dự án đã có tác động tích cực đến phương thức canh tác bền vững của các hộ dân, cơ bản hoàn thành mục tiêu dự án, thay đổi tập quán canh tác của nhân dân, giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ðến nay, dự án đã hỗ trợ đầu tư 91 tiểu dự án cho các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, trong đó 88 tiểu dự án hoàn thành đưa vào sử dụng. Ðối với các giải pháp kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng", các địa phương vùng ÐBSCL đã đào tạo cho hơn 151.000 nông dân với diện tích hơn 210.000 ha. Ðối với quy trình "1 phải, 5 giảm", có gần 99.000 nông dân với diện tích hơn 140.000 ha áp dụng quy trình này, vượt mục tiêu đề ra là 75.000 ha. Trong đó, các tỉnh như: Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng là những địa phương có tỷ lệ nông dân áp dụng cao nhất. Ban quản lý dự án VnSAT Trung ương cho biết, chuyển biến rõ rệt nhất trong thực hiện dự án là việc nông dân đã chú trọng trong sử dụng giống lúa xác nhận, giống chất lượng cao. Từ việc thực hiện dự án, nông dân đã giảm lượng giống gieo sạ từ 150 đến 200 kg/ha xuống còn trung bình từ 100 đến 120 kg/ha. Qua đó, giảm chi phí đầu vào, giảm thất thoát sau thu hoạch trong vùng dự án xuống còn 8,5 đến 8,8%, trong khi trung bình của vùng là 11%.
Dự án VnSAT Tiền Giang được triển khai trong giai đoạn 2015-2020, tại bốn huyện Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công Tây, Gò Công Ðông và hai thị xã Cai Lậy, Gò Công, diện tích thực hiện hơn 27.200 ha với 41 nghìn hộ nông dân tham gia. Theo Ban Giám đốc dự án VnSAT Tiền Giang, đến nay, tỉnh đã thực hiện hơn 850 lớp đào tạo "3 giảm, 3 tăng" và gần 500 lớp "1 phải, 5 giảm" với 109 nghìn người hưởng lợi thông qua thực hiện công tác đào tạo từ đầu dự án đến nay. Qua đánh giá, việc áp dụng quy trình sản xuất lúa "3 giảm, 3 tăng" của nông dân đạt gần 90% và diện tích "1 phải, 5 giảm" đạt 98%. Giám đốc dự án VnSAT Tiền Giang Cao Văn Hóa cho rằng, qua 5 năm thực hiện, dự án đã tác động tích cực đến thay đổi tập quán sản xuất của nông dân từ việc trồng lúa theo kiểu truyền thống sang trồng lúa áp dụng khoa học kỹ thuật giúp nông dân giảm chi phí sản xuất thông qua giảm lượng giống gieo sạ, lượng phân đạm dư thừa, số lần phun thuốc trừ sâu, giảm lượng nước tưới và thất thoát sau thu hoạch. Từ đó, sản xuất lúa trong dự án tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận cao hơn so với bên ngoài. Bên cạnh đó, việc thành lập các HTX thực hiện dịch vụ cung cấp các vật tư nông nghiệp, gặt đập liên hợp, nhà kho trữ lúa và dịch vụ sấy đã góp phần tăng thu nhập và lợi nhuận cho các thành viên.
Năm 2017, được sự hỗ trợ của địa phương và Ban Quản lý dự án VnSAT Tiền Giang, các tổ viên canh tác lúa tại cánh đồng liên kết ở xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đã chuyển từ tổ hợp tác thành HTX Dịch vụ nông nghiệp. Việc chuyển đổi này nhằm đẩy mạnh việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân. Bước đầu, HTX thu hút 706 thành viên với diện tích canh tác hơn 640 ha. Ông Trịnh Văn Pha, người tham gia vào dự án cho biết: "Trước đây, chúng tôi thường gặp khó khăn trong việc chọn lựa giống lúa để vừa có năng suất cao vừa dễ tiêu thụ và bán được giá. Nhưng mấy năm trở lại đây, khi tham gia HTX, sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, bà con rất yên tâm vì doanh nghiệp cung cấp lúa giống chất lượng và bảo đảm bao tiêu sản phẩm, lợi nhuận cao hơn trồng lúa theo kiểu truyền thống khoảng 1,5 triệu đồng/ha". Phó Giám đốc kinh doanh, HTX Mỹ Thành, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, Tạ Văn Quận cho biết, sau khi tham gia dự án, phần đông người dân sử dụng thuốc sinh học và hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng thuốc hóa học cho nên chất lượng lúa luôn đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu.
Để phát huy hiệu quả dự án VnSAT trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương cần tiếp tục nhân rộng các mô hình, bởi đây là điểm sáng để sản xuất lúa gạo hiệu quả, bền vững; tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giảm giá thành, các địa phương cố gắng lồng ghép các chương trình này vào giai đoạn trung hạn của dự án…