Nhân dân ở cụm 6, phường Hạ Ðình (quận Thanh Xuân) không phải ngoại lệ. Người dân ở đây, với sự giúp đỡ của Công ty Kiến trúc Xây dựng đô thị Hà Nội và Công ty Cổ phần Công nghệ Công nghiệp đã có sáng kiến làm một mô hình nhà văn hóa "di động". Nhà văn hóa của phường Hạ Ðình được làm bằng các vật liệu nhẹ gồm: ống tuýp thép, vải bạt. Tháng 2-2013 vừa qua, nhân dân cụm 6 đã chính thức đưa vào sử dụng. Tuy đơn giản, nhưng nhờ có nhà văn hóa "lắp ghép", mỗi khi có nhu cầu hội họp, hoạt động văn hóa, văn nghệ, người dân có thể nhanh chóng biến một khoảng sân chơi, một khu đất mượn tạm của người dân làm nơi sinh hoạt. Tùy vào nội dung của buổi sinh hoạt, cán bộ, người dân sẽ trang trí "nhà văn hóa" của mình sao cho phù hợp. Khi sử dụng xong, lại có thể trả lại không gian. Từ ngày có nhà văn hóa "di động", mỗi khi có sinh hoạt cộng đồng, cán bộ, nhân dân cụm 6 không phải lo lắng chuyện phải đi nhờ, mượn địa điểm nữa.
Xây dựng nhà văn hóa kiên cố là một trong những tiêu chí quan trọng trong cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", điều này còn có ý nghĩa lâu dài đối với đời sống tinh thần nhân dân. Nhưng với nhiều tổ dân phố, cụm dân cư ở những quận nội thành, như Hoàn Kiếm, Ba Ðình, Ðống Ða, Thanh Xuân..., việc tìm địa điểm là rất khó khăn. Trong khi chưa tìm được giải pháp để xây dựng nhà văn hóa kiên cố, việc tạo ra những nhà văn hóa "di động" như ở phường Hạ Ðình là kinh nghiệm hay. Ngay cả với vùng nông thôn, nếu kinh phí chưa cho phép xây nhà văn hóa kiên cố, vẫn có thể áp dụng mô hình này, để tạo địa điểm sinh hoạt tạm thời, đáp ứng nhu cầu cuộc sống.
Thực tế hiện nay ở nhiều thôn, làng, tổ dân phố, mặc dù đã có nhà văn hóa kiên cố, có nơi nhà văn hóa được xây dựng ở vị trí đắc địa, với kinh phí hàng tỷ đồng, nhưng việc sử dụng còn lãng phí. Nhiều nơi, nhà văn hóa chỉ đóng cửa im ỉm suốt ngày. Một năm chỉ vài lần mở cửa để hội họp. Có địa phương còn sử dụng nhà văn hóa sai mục đích, dùng làm nơi cho thuê, bán hàng... gây lãng phí. Trong khi đó, những nhà văn hóa như vậy lại là mơ ước của các địa phương khác. Từ việc khắc phục khó khăn, tạo ra mô hình nhà văn hóa "di động" ở phường Hạ Ðình, mong rằng, các địa phương đã có nhà văn hóa kiên cố nhận thức rõ hơn giá trị công trình mình sở hữu, qua đó, phát huy tối đa hiệu quả của nhà văn hóa trên địa bàn.