Phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối

Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp nguồn lực kiều hối từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để góp phần tạo "lực đẩy" phát triển bền vững kinh tế-xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham gia Hội nghị triển khai Đề án "Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030".
Các đại biểu tham gia Hội nghị triển khai Đề án "Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030".

Kiều hối tiếp tục tăng trưởng ấn tượng

Tại Hội nghị triển khai Đề án "Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030" vừa được tổ chức, bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Kiều hối là nguồn lực nội tại có sẵn và có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước. Việc phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối không chỉ là nhiệm vụ chiến lược của thành phố, mà còn là sự kỳ vọng và trách nhiệm của người Việt Nam ở nước ngoài. Với đề án này, thành phố đứng trước cơ hội lớn để tận dụng tối đa sức mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Trong những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương thu hút lượng kiều hối lớn nhất cả nước, chiếm từ 38-53% tổng lượng kiều hối về Việt Nam mỗi năm. Cụ thể, năm 2019, lượng kiều hối về thành phố khoảng 5,6 tỷ USD (130.000 tỷ đồng); năm 2020, lượng kiều hối tăng lên 6,1 tỷ USD (140.000 tỷ đồng); năm 2021, tiếp tục tăng lên 7 tỷ USD (150.000 tỷ đồng); năm 2022 đạt 6,6 tỷ USD, gấp 1,5 lần tổng vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố (4,33 tỷ USD). Năm 2023, kiều hối tăng trưởng ấn tượng, đạt gần 9,5 tỷ USD (228.000 tỷ đồng), tăng 43,3% so với năm 2022 và gấp ba lần tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Lệnh thông tin: Số liệu của các tổ chức, công ty kiều hối tại Thành phố Hồ Chí Minh tính đến hết tháng 9/2024 cho thấy, lượng kiều hối về thành phố đạt 5,485 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2023. Dự kiến, nguồn kiều hối sẽ tiếp tục tăng cao trong các tháng cuối năm, đặc biệt là vào thời điểm trước Tết Nguyên đán. "Kết quả quý III/2024 có giảm so với quý II, nhưng với tốc độ và cơ cấu này thì hoàn toàn đạt được mục tiêu tăng trưởng kiều hối 10%/năm như đề án đưa ra", ông Lệnh cho biết.

Để triển khai đề án, ngành ngân hàng tập trung vào ba nhóm nhiệm vụ chính, trong đó có việc tiếp tục duy trì và triển khai thực hiện tốt chính sách về thị trường ngoại hối, thu hút kiều hối, bảo đảm duy trì nguồn lực kiều hối, bảo đảm tốc độ tăng trưởng 10%/năm. Ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng: Việc sử dụng hiệu quả nguồn kiều hối cần được quan tâm xem xét và triển khai thực hiện hiệu quả hơn trước. Các đơn vị cần nâng cao chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối hơn nữa.

Cần hoàn thiện cơ chế hỗ trợ thu hút kiều hối

Trong những năm gần đây, nhằm thu hút và tạo điều kiện thuận lợi để kiều hối về Việt Nam ngày càng tăng, các ngân hàng như: Vietcombank, Agribank, Sacombank, BIDV, ACB... đã phát triển mạnh mẽ các dịch vụ tài chính tạo thuận lợi cho giao thương, chuyển tiền quốc tế.

Tuy nhiên, các ngân hàng, doanh nghiệp cho rằng: Thành phố phải tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách hơn nữa mới có thể thu hút kiều hối hiệu quả. Thực tế, lượng kiều hối chuyển qua kênh ngân hàng chỉ đạt khoảng 50% tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam, còn lại được chuyển qua kênh tiểu ngạch.

Đại diện Công ty kiều hối Vietcombank (VCBR) cho biết, chi trả kiều hối qua đơn vị này đạt khoảng 1,8 tỷ USD trong chín tháng năm 2024, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2023. Đại diện VCBR đề xuất, để tối ưu hóa nguồn kiều hối, Nhà nước nên mở thêm các kênh chuyển tiền, cho phép các công ty và tổ chức nước ngoài chuyển tiền trực tiếp cho người lao động Việt Nam đang làm việc tại công ty đó.

Nêu giải pháp thu hút và phát huy nguồn kiều hối, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) nhấn mạnh: Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng tại Việt Nam cần làm việc, kết nối với các ngân hàng quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn về thủ tục cho người gửi tiền về nước. Chẳng hạn như, hai bên có thể cùng thống nhất, đưa ra một hạn mức nhất định giúp kiều bào chuyển tiền về giá trị thấp được đơn giản hóa thủ tục hơn.

Tiến sĩ Lê Thị Thanh Nhàn, giảng viên Đại học Quốc gia Australia cho rằng: Cần có chính sách khuyến khích kiều bào đầu tư kinh doanh, xây dựng các chương trình đầu tư xã hội cho kiều bào và kết nối kiều bào với cơ hội kinh doanh trong nước. Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh có thể phát hành trái phiếu thời hạn từ 5-10 năm dành riêng cho từng dự án cụ thể, gắn liền với đơn vị trực tiếp huy động vốn và trả nợ. Chính sách ưu đãi là trong năm đầu tiên có thể miễn hoặc ưu đãi thuế để thu hút kiều bào tham gia đầu tư từ xa; kết hợp với các ngân hàng cung cấp lãi suất cho kiều hối được lưu giữ trong tài khoản từ 1-6 tháng, nhằm thúc đẩy việc sử dụng kiều hối vào các hoạt động sản xuất.

Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Thị Huỳnh Mai nhấn mạnh: Đề án phát huy nguồn lực kiều hối vừa ban hành là chính sách hoàn toàn mới, lần đầu tiên được triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh. Để thực hiện thành công đề án, rất cần sự chung tay của toàn hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố, sự hỗ trợ từ các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở các nước, thân nhân kiều bào ở trên địa bàn thành phố, các cơ quan truyền thông, báo chí... Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố cũng sẽ tích cực triển khai hệ thống dữ liệu người Việt Nam ở nước ngoài có tiềm năng hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa Việt Nam tại các nước để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của thành phố ra các nước.