Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tính đến ngày 31/12/2022, tổng vốn chủ sở hữu và tài sản hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước cụ thể như sau: tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất là 1 triệu 173 nghìn tỷ đồng; trong đó, tổng vốn chủ sở hữu của công ty mẹ là 955 nghìn tỷ đồng. Tổng tài sản hợp nhất là 2 triệu 445 tỷ đồng, trong đó, tổng tài sản của công ty mẹ là 1 triệu 636 nghìn tỷ đồng; đến ngày 31/12/2021, đã đầu tư vào tài sản dài hạn là 1 triệu 036 nghìn tỷ đồng.
Năm 2023, tổng hợp kế hoạch do 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước xây dựng, tổng vốn chủ sở hữu và tài sản hợp nhất, cụ thể: tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất là 1 triệu 168 nghìn tỷ đồng và phần quỹ chưa điều chuyển khoảng 8 nghìn tỷ đồng là khoảng 1 triệu 176 nghìn tỷ đồng (năm 2023 sẽ điều chuyển về các quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo quy định). Tổng tài sản hợp nhất là 2 triệu 459 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2 nghìn tỷ đồng so năm 2022 (do hình thành mới tài sản từ nguồn đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty).
Đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành tham dự hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Nguồn vốn và tài sản nêu trên phân bổ tại 19 tập đoàn, tổng công ty và 479 công ty con và 368 công ty liên kết, tập trung vào 5 lĩnh vực chính, 16 ngành kinh tế kỹ thuật có tính chất, đặc điểm khác nhau của nền kinh tế. Hiệu quả hàng năm được duy trì. Tuy nhiên, phân bổ không đều, lợi nhuận chủ yếu tập trung vào một số tập đoàn, tổng công ty như: Petrolimex, Mobifone, ACV, VIMC, Vinachem, Vinataba, SCIC… (ROE hợp nhất trung bình giai đoạn 2021-2025 đều trên 10% trong khi các doanh nghiệp còn lại đạt dưới 10%). Đầu tư thời gian qua tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng (chiếm khoảng 80%), hạ tầng giao thông (chiếm hơn 10%) với nguồn vốn đan xen (vốn tự có của doanh nghiệp, vốn vay, vốn đầu tư công).
Theo đánh giá của Ủy ban, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã thể hiện rõ vị trí, vai trò nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng; bảo đảm các cân đối lớn cho nền kinh tế và nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, là công cụ để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Tính đến năm 2022, 19 tập đoàn, tổng công ty đã đóng vai trò nòng cốt trong các lĩnh vực quan trọng, cụ thể; bảo đảm khoảng 87% điện năng, 50% xăng dầu bán lẻ, 100% khí khô, 70% khí hóa lỏng, 70% phân bón, 45% thuê bao di động, 41% băng rộng cố định mặt đất, 49% vận tải hành khách hàng không nội địa, quản lý 21/22 cảng hàng không dân dụng trên cả nước, 16% hàng hóa vận tải biển, 100% điều hành và vận tải giao thông đường sắt. Về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, đã cung cấp 242,7 tỷ kWh điện, 10,84 triệu tấn dầu thô, 8,08 tỷ m3 khí, 42,2 triệu tấn than sạch, 13,76 triệu m3 xăng dầu, 5,78 triệu tấn Alumin; vận chuyển 124,7 triệu lượt hành khách, 131 triệu tấn hàng hóa…
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Mặc dù chịu ảnh hưởng ở mức độ khác nhau bởi dịch Covid-19 và những biến động phức tạp trong khu vực và quốc tế, có doanh nghiệp bị lỗ, giảm vốn chủ sở hữu, nhưng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và các nhiệm vụ chính trị được giao. Về cơ bản, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đạt được hàng năm đều tăng trưởng. Năm 2022, tổng doanh thu đạt 1 triệu 598 nghìn tỷ đồng (năm 2021 đạt 1 triệu 319 nghìn tỷ đồng), tổng lợi nhuận trước thuế đạt 83 ngàn 167 tỷ đồng (năm 2021 đạt 67 nghìn 478 tỷ đồng), tổng nộp ngân sách nhà nước đạt 191 nghìn 781 tỷ đồng (năm 2021 đạt 177 nghìn 211 tỷ đồng).
Hoạt động đầu tư được các tập đoàn, tổng công ty đẩy mạnh thực hiện; trong đó có nhiều dự án đầu tư lớn, quan trọng có tính kết nối, lan tỏa, tạo tiền đề và động lực quan trọng cho phát triển các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế, xã hội; đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, viễn thông, công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Giai đoạn 2016-2020, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã thực hiện tổng vốn đầu tư là 976 nghìn 636 tỷ đồng; trong đó, 633 nghìn 060 tỷ đồng vốn tự có (67,4%), 298 nghìn 384 tỷ đồng vốn vay (31,8%), 7 nghìn 206 tỷ đồng vốn khác (0,8%). Giai đoạn 2018-2022 (chuyển về UBQLV), 19 tập đoàn, tổng công ty đã phê duyệt/triển khai thực hiện/hoàn thành đầu tư 41 dự án nhóm A, 125 dự án nhóm B; tích cực triển khai đầu tư theo kế hoạch; một số đã đạt giá trị đầu tư khá lớn là: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông MobiFone,...
Năm 2022, hợp nhất các tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện đầu tư đạt gần 156 nghìn 500 tỷ đồng; trong đó, lĩnh vực năng lượng (điện, than) đạt gần 126 nghìn tỷ đồng (chiếm 80,47%), xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông (cảng hàng không, cảng biển, đường cao tốc, logistics) đạt gần 16 nghìn tỷ đồng (chiếm 10,61%), viễn thông và công nghệ thông tin (VNPT, MobiFone) đạt gần 12 nghìn 500 tỷ đồng (chiếm 7,88%), sản xuất công nghiệp đạt 650 tỷ đồng (chiếm 0,42%), vận tải hành khách (hàng không, hàng hải) đạt 83 tỷ đồng (chiếm 0,05%), sản xuất nông, lâm nghiệp (giống lâm nghiệp, chế biến gỗ, chế biến nông sản, trồng cà- phê) đạt 897 tỷ đồng (chiếm 0,57%). Một số tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, kết hợp sản xuất, kinh doanh với góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia; điển hình như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam...
Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Chúng ta tổ chức hội nghị này để bàn giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh phục vụ cho phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong không khí triển khai Nghị quyết Đại hội Các đại biểu tham dự hội nghị lần thứ XIII của Đảng, nhất là triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, thời gian đã sắp hết quý I, chúng ta tổ chức hội nghị này để bàn giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh phục vụ cho phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng nêu rõ, sau 5 năm thực hiện chủ trương thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chúng ta đã sơ kết và báo cáo Bộ Chính trị; đến nay cần đánh giá lại xem Ủy ban và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã hoạt động như thế nào, kết quả ra sao, có những gì cần đổi mới, để từ đó đề ra giải pháp trọng tâm cho thời gian tới để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta cần đánh giá kỹ lưỡng hơn những việc đã làm được, chưa làm được, bài học kinh nghiệm, sắp tới cần làm gì để nâng cao kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh; phải nghiên cứu Kết luận của Bộ Chính trị về Đề án “Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp” để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác này thời gian tới. Thủ tướng đánh giá, trong hơn 2 năm chống dịch Covid-19 vừa qua, bước sang năm 2023, về tổng thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; thị trường lao động được phục hồi; an ninh chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, công tác đối ngoại được đẩy mạnh và tăng cường… Trong thành tích chung của cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, có vai trò đóng góp rất quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp về vấn đề sản xuất, kinh doanh, đóng góp ngân sách, tạo việc làm.
Đại diện lãnh đạo Ban quản lý vốn Nhà nước trình bày báo cáo tại hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Chúng ta đều thấy rằng, đến cuối năm 2022, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nắm giữ khoảng 63% (1.173 nghìn tỷ đồng) tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước và nắm giữ khoảng 65% (2.445 nghìn tỷ đồng) tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước. Qua số liệu này cho thấy, dư địa phát triển của doanh nghiệp nhà nước là rất lớn nhưng đóng góp chưa thực sự tương xứng với nguồn vốn chủ sở hữu và tổng tài sản các doanh nghiệp đang nắm giữ. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần phải thực hiện hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị, thảo luận từ kinh nghiệm 5 năm vừa qua, có được những bài học quý để tiếp tục phát huy, chỉ ra những hạn chế, vướng mắc để tháo gỡ, dự báo những khó khăn, thách thức để vượt qua nhất là trong giai đoạn hiện nay; trong đó, hai chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải hỗ trợ nhau hiệu quả.
Đến cuối năm 2022, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nắm giữ khoảng 63% (1.173 nghìn tỷ đồng) tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước và nắm giữ khoảng 65% (2.445 nghìn tỷ đồng) tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước. Qua số liệu này cho thấy, dư địa phát triển của doanh nghiệp nhà nước là rất lớn nhưng đóng góp chưa thực sự tương xứng với nguồn vốn chủ sở hữu và tổng tài sản các doanh nghiệp đang nắm giữ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng đề nghị các đại biểu có báo cáo, tham luận tìm ra được mô hình tổ chức hoạt động của Ủy ban; nêu tình hình liên quan các thể chế, cơ chế, chính sách để các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoạt động hiệu quả hơn; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với các doanh nghiệp như thế nào để bảo đảm hiệu quả; vấn đề quản trị kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ như thế nào trong giai đoạn Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu… là những vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa đối với nền kinh tế, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, đóng góp ý kiến chất lượng; Ban tổ chức tập hợp để ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ hoặc Nghị quyết của Chính phủ để nâng cao hiệu quả của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong giai đoạn hiện nay để phục hồi nhanh, phát triển bền vững.
Phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tất cả các cấp, các ngành liên quan, cụ thể là Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban, các doanh nghiệp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền phải chủ động, tích cực xử lý hiệu quả các vướng mắc, khó khăn, bất cập của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Theo Thủ tướng, các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ lượng vốn lớn, đóng góp đáng kể trong thu ngân sách nhà nước, góp phần kiểm soát lạm phát, nhưng rõ ràng tăng trưởng vẫn chưa ngang tầm về vốn, tổng giá trị tài sản đang nắm giữ. Trong suốt giai đoạn 2016-2020, hầu như các doanh nghiệp nhà nước không có hoạt động đầu tư lớn nào.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải thể hiện tinh thần quyết tâm, trách nhiệm cao trong xử lý các tồn đọng; các bộ, ngành liên quan cũng phải quyết tâm tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách; phát huy tinh thần yêu nước, chủ động, tích cực, tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm để xử lý các vấn đề; Chính phủ sẵn sàng cùng với các doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Theo Thủ tướng, với việc nắm giữ lượng tài sản lớn như vậy, các doanh nghiệp nhà nước phải tìm cách đầu tư, góp phần để thúc đẩy các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để cung tiền ra nền kinh tế. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước phải suy nghĩ để thúc đẩy các vấn đề lớn như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn.
Về giải pháp cụ thể sắp tới, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta xác định có thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức; nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn: thế giới tiếp tục có khủng hoảng, cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt; các nước trên thế giới đang chống lạm phát và khắc phục hậu quả sau đại dịch Covid-19 làm cho thị trường bị thu hẹp.
Do đó, Ủy ban sử dụng nguồn vốn tập trung cho 3 động lực là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu, góp phần khắc phục các khó khăn, thách thức; thực hiện tốt Kết luận của Bộ Chính trị về tổng kết tình hình thực hiện Thông báo số 40-TB/TW ngày 14/9/2017 về Đề án “Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp; hoàn thiện mô hình, tách bạch quản lý nhà nước với sản xuất, kinh doanh, quản lý vốn hiệu quả, không can thiệp sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; phải xây dựng các Chiến lược, kế hoạch mà Chính phủ giao; tích cực, chủ động xử lý những vấn đề tồn đọng mà Bộ Chính trị đã cho chủ trương, Chính phủ đã chỉ đạo.
Ủy ban cũng phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc, phê duyệt các chương trình, kế hoạch của các tập đoàn, tổng công ty; tăng cường chú trọng vào sản xuất, kinh doanh; tập trung tháo gỡ khó khăn về pháp lý cùng với các bộ, ngành; tháo gỡ các vấn đề liên quan thị trường, quản trị kinh doanh hiện đại, tập trung chuyển đổi số, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, việc tuyển chọn phải công khai, minh bạch; sửa đổi các tiêu chuẩn, tiêu chí, quy định đối với cán bộ phù hợp thực tế; nắm bắt tình hình tốt hơn để tham mưu cho Chính phủ xử lý các vấn đề tồn đọng, phát sinh mới; huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Đối với các doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng yêu cầu phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm chính trị của mình đối với tài sản của Nhà nước để thông minh, sáng tạo, linh hoạt, chịu trách nhiệm; đầu tư cho đổi mới sáng tạo, tập trung cho những ngành mới nổi; đổi mới quản trị kinh doanh theo hướng hiện đại; thích ứng mô hình quản lý và điều kiện mới, điều kiện Việt Nam, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tập trung đầu tư các dự án trọng điểm, lĩnh vực quan trọng; tiếp tục cơ cấu lại doanh nghiệp cho phù hợp tình hình; chủ động hoàn thành các chương trình, kế hoạch, trình các cấp thẩm quyền phê duyệt trên tinh thần phải cụ thể, có thời gian; xây dựng văn hóa trong doanh nghiệp đậm đà bản sắc dân tộc, tôn trọng quy luật khách quan của quy luật kinh tế thị trường, cung cầu, cạnh tranh, góp phần cùng các bộ, ngành, Chính phủ điều tiết phù hợp. Theo Thủ tướng, khi cần, chúng ta phải sử dụng các công cụ nhà nước để can thiệp thị trường để bảo đảm ổn định; nâng cao năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp; đa dạng hoá thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Đối với các bộ, cơ quan, địa phương, Thủ tướng nêu rõ: trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước phải kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan các quy định của pháp luật, thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư, cơ cấu lại, thoái vốn, sắp xếp lại nhà, đất... của doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn là rào cản trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp hoặc chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết.
Đẩy mạnh phân công, phân cấp cho Ủy ban và các doanh nghiệp được giao quản lý; tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của doanh nghiệp và Ủy ban; phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc thực hiện một số quyền của Thủ tướng Chính phủ, tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Chính phủ đã có Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8/4/2022 thông qua đề xuất xây dựng Luật và ngày 1/11/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo Bộ Tài chính trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp thứ 7, tháng 5/2024. Vì vậy, Bộ Tài chính nghiên cứu một số kiến nghị hợp lý có tính khả thi, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13, trình Quốc hội theo đúng Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực để gắn chiến lược phát triển của doanh nghiệp nhà nước với phát triển ngành, lĩnh vực để phát huy nguồn lực quan trọng của đất nước; thực hiện vai trò giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc thực hiện quyền, chức năng nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu, trong đó có Uỷ ban, tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương tham mưu đề xuất tăng cường hiệu lực, hiệu quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về thể chế, chính sách đã được Chính phủ quyết nghị tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 của Chính phủ để nhanh chóng khơi thông nguồn lực, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của 19 tập đoàn, tổng công ty trong phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, tập trung vào các nhiệm vụ sau:
Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu cơ chế phù hợp tăng nguồn lực cho doanh nghiệp nhà nước từ lợi nhuận sau thuế và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư các dự án quan trọng, hiệu quả, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì sửa đổi quy định về chuyển mục đích Quỹ Phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp để thực hiện đầu tư cho các vườn ươm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặt hàng các sản phẩm đổi mới sáng tạo...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, nghiên cứu phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc thực hiện một số quyền của Thủ tướng Chính phủ, tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu; xây dựng cơ chế khuyến khích phối hợp, hợp tác giữa doanh nghiệp nhà nước với nhau và với doanh nghiệp tư nhân để thực hiện các dự án quy mô lớn, nâng cao hiệu quả tổng thể chuỗi dự án nhằm phát triển chuỗi giá trị của ngành, lĩnh vực; có cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước mạnh dạn đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh, theo kịp tốc độ phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; thay đổi mô hình kinh doanh của nền kinh tế toàn cầu, xu thế phát triển trên thế giới; cơ chế lựa chọn tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành doanh nghiệp nhà nước hoặc một phần tài sản, dự án của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian nhất định; có cơ chế, chính sách phát triển riêng một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn, hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng của đất nước.