"Ở xã An Tiến, huyện Mỹ Ðức, số hộ nghèo vẫn chiếm số lượng không nhỏ, nhiều gia đình có kinh tế khó khăn, không có điều kiện chăm sóc trẻ. Chính vì thực tế này, ngay khi được tập huấn về chương trình sữa học đường với sản phẩm bổ sung dinh dưỡng cho học sinh tiểu học, miễn phí cho đối tượng nghèo, cận nghèo, trợ giá tới 57% cho mọi học sinh, tôi đã thấy chương trình đặc biệt phù hợp với học sinh của địa phương mình" - Hiệu trưởng Trường tiểu học An Tiến (xã An Tiến, huyện Mỹ Ðức) Trần Ðức Tuấn cho biết. Tuy nhiên, không phải ngay từ đầu tất cả phụ huynh đã hưởng ứng tham gia chương trình này. Ðể người dân hiểu rõ lợi ích khi cho con uống sữa học đường, nhà trường đã kết hợp với địa phương tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như gửi thông tin và phiếu đăng ký tới từng phụ huynh, vận động qua hệ thống phát thanh của xã, tổ dân phố… "Ban đầu nhà trường chỉ xác định đạt 90% số học sinh tham gia, vì nhiều gia đình kinh tế rất khó khăn, nhưng khi triển khai đã có 659 học sinh tham gia chương trình, đạt tỷ lệ 100%, bởi phụ huynh nhận thấy đây là chương trình nhân văn, hỗ trợ cho các địa phương đặc biệt khó khăn. Mỹ Ðức cũng là huyện có tỷ lệ học sinh tham gia chương trình sữa học đường cao nhất Hà Nội với toàn bộ các cơ sở giáo dục và 99,4% học sinh tham gia.
Ðánh giá sau hai năm triển khai, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, tính đến tháng 5-2020, thành phố đã có hơn một triệu trẻ mầm non và học sinh tiểu học được uống sữa hằng ngày, đạt tỷ lệ 91,16%, tăng mạnh so với thời điểm ban đầu chỉ đạt 64%. Những đơn vị có tỷ lệ học sinh tham gia cao, gồm các huyện: Mỹ Ðức, Ðan Phượng, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thạch Thất, Sóc Sơn, Ba Vì, Quốc Oai, Mê Linh, Thanh Oai, Gia Lâm, Hoài Ðức, Phúc Thọ, Thanh Trì, Chương Mỹ và quận Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh đăng ký tham gia khối ngoài công lập chưa cao; tỷ lệ học sinh tham gia chưa đồng đều giữa các quận, huyện. Chương trình sữa học đường năm 2018, năm 2019 vẫn còn gần 10% cơ sở giáo dục chưa tham gia và hơn 102.000 trẻ trong diện thụ hưởng chưa được uống sữa.
Là một trong những quận có số lượng trẻ mầm non ngoài công lập đông nhất thành phố, Phó Trưởng phòng GD và ÐT quận Hoàng Mai Trương Thu Hà cho biết, thời điểm mới triển khai chương trình sữa học đường, quận gặp nhiều khó khăn, vì trên địa bàn có hơn 400 nhóm lớp mầm non tư thục và hơn 30 trường mầm non, tiểu học ngoài công lập. Tuy nhiên, với việc lên kế hoạch và vào cuộc tích cực, thống nhất của các trường, nhóm lớp, quận Hoàng Mai đã đạt tỷ lệ khối ngoài công lập tham gia chương trình sữa học đường cao nhất thành phố, với hơn 73 nghìn trẻ mầm non mẫu giáo, đạt hơn 90%, số học sinh các trường tiểu học khối ngoài công lập tham gia đạt 89%.
Quy mô chương trình sữa học đường của Hà Nội lớn nhất cả nước với hơn một triệu trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học tại 4.000 trường học tham gia. Ðánh giá về quá trình thực hiện, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD và ÐT Hà Nội) Hoàng Hữu Trung cho biết, đa số các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện tốt công tác truyền thông; hợp tác làm tốt các bước chuẩn bị; bố trí nơi bảo quản sữa khoa học, lưu mẫu sữa theo hướng dẫn. Nhiều trường còn phối hợp cha mẹ học sinh đầu tư tủ bảo quản sữa; tổ chức giao nhận, cấp phát, ghi chép đầy đủ; nhiều trường học có tỷ lệ học sinh tự nguyện tham gia đạt hơn 90%, đạt mục tiêu Ðề án đến năm 2020, thể hiện sự tin tưởng của các bậc cha mẹ học sinh đối với chương trình.
Ðể tiếp tục thực hiện tốt chương trình này, các trường đã đề xuất đơn vị cung cấp sữa tăng cường phối hợp trong công tác xử lý rác thải và thu gom vỏ hộp sữa nhằm bảo vệ môi trường; cải tiến việc thiết kế giá kệ cho phù hợp với diện tích nhỏ của các nhóm lớp mầm non tư thục. Ðối với trẻ mầm non, nhà trường đề xuất bổ sung thêm các hương vị mới để sản phẩm hấp dẫn hơn với trẻ.
Ông Chử Xuân Dũng cho biết, ngành GD và ÐT đang tiến hành khảo sát lấy ý kiến và căn cứ nguyện vọng của cha mẹ học sinh cùng các nhà trường để đề xuất UBND thành phố xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện Chương trình sữa học đường giai đoạn 2020 - 2025. Ðồng thời, các trường học cần nêu cao trách nhiệm trong công tác truyền thông, tiếp tục cải tiến phương thức đặt hàng, bàn giao sữa, cho học sinh uống sữa, bảo đảm an toàn chất lượng sữa.