Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế

NDO - Tại Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” diễn ra sáng 17/12 tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã có bài phát biểu khai mạc, trong đó nhấn mạnh, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế là một trong những nhiệm vụ  trọng tâm trong giai đoạn hiện nay. Báo Nhân Dân xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
0:00 / 0:00
0:00
Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế

- Kính thưa đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội,

- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước,

- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố,

- Kính thưa các chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, các nhà quản lý, quý vị đại biểu và toàn thể hội nghị,

Hôm nay, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa". Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban Chỉ đạo Hội thảo, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố, các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, các nhà quản lý, doanh nghiệp văn hóa trong và ngoài nước, cùng toàn thể quý vị đại biểu đã đến tham dự Hội thảo.

Kính thưa quý vị đại biểu,

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa, dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Hệ thống quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, con người Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, thể hiện rõ trong nhiều văn kiện quan trọng kể từ khi Đảng được thành lập tới nay. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; xác định một trong những định hướng lớn là phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong giai đoạn hiện nay.

Bám sát sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực của Nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, đã luôn chú trọng thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, tăng cường hoạt động giám sát, thông qua các quyết định quan trọng nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi mọi quyết sách của Quốc hội phải sát với thực tế trong nước và tình hình thế giới, trên cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và luận cứ khoa học, thực tiễn vững chắc. Quốc hội từ các khóa XII, XIII đã tổ chức nhiều diễn đàn lớn nhằm huy động và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, của cử tri, Nhân dân cả nước, của các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước trong việc đóng góp kịp thời vào các quyết sách của Quốc hội. Nhiều gợi ý chính sách tại các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu để xây dựng, ban hành các quyết sách, ứng phó kịp thời với bối cảnh, tình hình mới của đất nước.

Kế thừa thành công, kinh nghiệm của các diễn đàn, hội thảo trước đây; với tinh thần chuẩn bị “từ sớm, từ xa” của Quốc hội; nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, lãnh đạo Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, đề xuất tổ chức Hội thảo về chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Hội thảo đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo rất sát sao, cụ thể. Trong gần một năm qua, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội đã phối hợp với Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tạp chí Cộng sản, tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan có liên quan tổ chức tham vấn các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, tổ chức có liên quan để nghiên cứu, khảo sát để tìm giải pháp nâng cao hiệu quả thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Hội thảo đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia với sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm rất cao của các cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan tới lĩnh vực văn hóa.

Kính thưa quý vị đại biểu,

Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế ảnh 1

Phiên khai mạc Hội thảo. (Ảnh: DUY LINH)

Hội thảo hôm nay sẽ tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam.

Hội thảo sẽ diễn ra trong 1 ngày với 800 đại biểu tham dự trực tiếp. Đồng thời, Ban Tổ chức Hội thảo phát sóng và tương tác trực tiếp với mọi người trên mạng xã hội, trên nền tảng truyền hình Quốc hội và kết nối đến một số cơ sở đào tạo về văn hóa, nghệ thuật. Hội thảo gồm các phiên chuyên đề diễn ra trong buổi sáng và phiên toàn thể trong buổi chiều với 3 nhóm nội dung chính theo chủ đề của Hội thảo. Ban Tổ chức Hội thảo đã nghiên cứu, lựa chọn các nội dung trọng tâm trình bày tại Hội thảo; các nội dung còn lại sẽ được phát biểu lồng ghép trong quá trình trao đổi, thảo luận.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội thảo, tôi mong sẽ nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, sâu sắc của các quý vị đại biểu, đóng góp cho thành công của Hội thảo. Trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị và giải pháp, sau khi kết thúc Hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo sẽ xây dựng Báo cáo tổng thuật gửi tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành và địa phương để phục vụ kịp thời công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển văn hóa.

Với tinh thần đó, tôi tuyên bố khai mạc Hội thảo văn hóa 2022 “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Kính chúc các quý vị đại biểu, các vị khách quý dồi dào sức khỏe, hạnh phúc. Chúc Hội thảo văn hóa 2022 thành công tốt đẹp.

Trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, quý đại biểu!