Gia đình ông Lưu Bá Loan (Tổ 3, phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) nhiều năm nay duy trì việc họp mặt toàn bộ con cháu để tuyên dương, khen thưởng trước năm học mới, động viên tinh thần học tập của các cháu. Ông Loan luôn chọn “ngày khen thưởng” đúng vào ngày Quốc khánh 2/9 của dân tộc. Bởi “có nước thì mới có nhà”. Vậy là trong ngày vui ấy, mọi người vừa ôn lại truyền thống gia đình, vừa nhớ tới ngày đất nước được độc lập, tưởng nhớ Bác Hồ.
Gia đình ông Loan cũng là một trong những gia đình hiếm hoi hôm nay vẫn sống “tứ đại đồng đường”. Bốn thế hệ, với những khoảng cách về nếp nghĩ, lối sống, nhưng với việc luôn chăm lo giáo dục các thế hệ con cháu, bốn thế hệ sống với nhau “trong ấm, ngoài êm”. Các thành viên gia đình ông Loan còn là những người tích cực tham gia công tác xã hội, phong trào thể thao. Ông Loan cho biết: “Muốn các con cháu giữ được nền nếp gia phong thì bản thân tôi và vợ phải luôn gương mẫu trong lời nói, hành động. Bởi thế, các con cháu trong gia đình đều có ý thức trách nhiệm với gia đình và xã hội. Điển hình như đợt dịch Covid-19 vừa qua, các con tôi đều tham gia Tổ Covid-19 cộng đồng tại địa phương; các cháu nội, ngoại của tôi là bác sĩ, công an, bộ đội tham gia các tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh. Tôi rất vui vì điều ấy”.
Cũng giống như gia đình ông Loan, gia đình bà Đỗ Thị Dụ (Tổ Yên Phúc, phường Phúc La, quận Hà Đông) hiện cũng có bốn thế hệ cùng nhau sinh sống. Nếu tính cả đại gia đình thì gia đình bà có tới 39 thành viên, trong đó có 11 con trai, con gái, con dâu, con rể; 15 cháu trai, cháu gái, cháu dâu, cháu rể, có 12 chắt. Bà Dụ chia sẻ: “Tuy bốn thế hệ với những cách sống, cách suy nghĩ khác nhau, nhưng gia đình tôi luôn biết nhường nhịn, thương yêu nhau.
Các thành viên trong gia đình luôn tôn trọng giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; có ý thức tự rèn luyện, phấn đấu vươn lên về mọi mặt để có kiến thức, hiểu biết, trình độ năng lực… Đặc biệt luôn có quan điểm nhận thức về đạo đức, lối sống lành mạnh, tiến bộ phù hợp truyền thống văn hóa dân tộc”. Ông Loan, bà Dụ là hai trong số 30 Gia đình văn hóa tiêu biểu trên toàn thành phố được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội biểu dương nhân dịp Ngày Gia đình Việt Nam 28/6.
Nhận thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của gia đình, thành phố luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng văn hóa gia đình thông qua triển khai các Chương trình cụ thể, gần đây nhất là Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy khóa 17 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”. Những nội dung cốt lõi của chương trình gồm: Xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh; xây dựng Gia đình Văn hóa và xây dựng các mô hình văn hóa, trong đó lấy con người làm hạt nhân, gia đình là nền tảng. Từ việc triển khai các hoạt động xây dựng văn hóa gia đình mà nhiều “vấn nạn” văn hóa ứng xử, những tiêu cực trong các mối quan hệ gia đình đã được ngăn chặn.
Hằng năm, số các gia đình đăng ký xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hóa” đều đạt hơn 90%. Và đến nay, tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa trên địa bàn thành phố đạt 88%. Cũng thông qua công tác tuyên truyền, triển khai phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mà trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa gắn với phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới, triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình…, trên địa bàn thành phố xuất hiện nhiều Gia đình văn hóa tiêu biểu như gia đình ông Loan, bà Dụ nêu trên. Bản thân những gia đình này đã giữ được gia phong, nền nếp từ nhiều năm qua, nhưng triển khai cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, các gia đình đều ý thức, trách nhiệm hơn trong xây dựng văn hóa gia đình, nêu cao trách nhiệm của gia đình với cộng đồng.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết: “Đối với công tác xây dựng văn hóa gia đình, hiện Sở Văn hóa và Thể thao tập trung triển khai năm nội dung chính gồm: Xây dựng gia đình văn hóa; thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình; thu thập lưu trữ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình; tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, nhân rộng các mô hình thuộc phạm vi quản lý; tuyên truyền, giáo dục các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình. Chúng tôi mong rằng mỗi cá nhân hãy cùng nhau chung sức, đồng lòng, kế thừa, phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị mới, tiến bộ để “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”.