Thừa Thiên Huế là vùng đất còn lưu giữ, bảo quản nhiều di tích, hiện vật, lễ hội, phong tục... có giá trị độc đáo liên quan đến di sản văn hóa Champa. Hầu hết các di tích về Champa ở Huế đã tồn tại hàng nghìn năm, chịu sự tác động của thiên nhiên khắc nghiệt và chiến tranh, cho nên đã hư hỏng nặng. Vấn đề cần thiết là phải ưu tiên tập trung các nguồn lực để giữ gìn, bảo quản những gì còn lại đến hôm nay.
Những dấu tích, hiện vật được phát hiện
Qua thống kê, Thừa Thiên Huế có 44 di tích, công trình liên quan đến văn hóa Champa, trong số này có 17 đền, tháp; ba thành lũy và nhiều công trình như mộ, bia, giếng cổ… cùng 251 hiện vật được kiểm kê, lập hồ sơ khoa học. Có các di tích được xếp hạng là di tích quốc gia, gồm: tháp đôi Liễu Cốc (phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà); tháp Phú Diên (xã Phú Diên, huyện Phú Vang) và Thành Lồi (phường Thủy Biều và phường Thủy Xuân, thành phố Huế); có hai bảo vật quốc gia là bệ thờ Vân Trạch Hòa và bộ chóp tháp Linh Thái. Các hiện vật của nền văn hóa Champa được bảo quản và lưu giữ ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Bảo tàng Lịch sử tỉnh, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Huế, Khoa Lịch sử của Trường đại học Khoa học (Ðại học Huế)...
Dọc tuyến quốc lộ 49B theo hướng nam, cách phường Thuận An (thành phố Huế) khoảng 11km, du khách sẽ bắt gặp tấm biển chỉ dẫn Di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Phú Diên (từ quốc lộ 49B rẽ phải 200m) thuộc xã Phú Diên, huyện Phú Vang. Tháp Phú Diên (hay còn gọi là tháp Champa) là một di tích lịch sử, văn hóa độc đáo được các nhà khảo cổ học tìm thấy vào năm 2001 (trước đó bị cát phủ lấp), thuộc địa phận thôn Mỹ Khánh, xã Phú Diên. Tháp là công trình kiến trúc văn hóa Champa còn nguyên vẹn nhất ở khu vực Bắc Hải Vân trở ra (được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia tháng 12/2001).
Theo Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế Nguyễn Ðức Lộc, tháp Champa Phú Diên là một trong những công trình kiến trúc gạch Champa sớm nhất còn lại ở khu vực miền trung. Sự có mặt của các hiện vật Yoni bằng đá, bình gốm… trong lòng tháp Phú Diên là những hiện vật đặc trưng cho việc thờ cúng của dân tộc Champa xưa nay. Mới đây, tháp Champa Phú Diên được xác lập Kỷ lục Việt Nam là "Tháp Chăm cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên tại Việt Nam" và được xác lập kỷ lục thế giới với tiêu chí "Tháp Champa cổ bằng gạch chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới".
Di sản văn hóa Champa trên đất Thừa Thiên Huế được nhìn nhận không chỉ là những di sản vật chất mà còn bao hàm cả giá trị văn hóa tinh thần và tâm linh. Ở Thừa Thiên Huế có lễ hội điện Hòn Chén nhằm suy tôn Thánh mẫu Thiên Y A Na chính là nữ thần Poh Yang Inư Nagar trong văn hóa Champa và tục cúng đất hằng năm là cách bày tỏ lòng tri ân, cầu mong thần linh vùng đất Champa giúp đỡ và phù hộ. Dấu ấn văn hóa phi vật thể Champa còn được thể hiện trong nhiều lễ hội văn hóa dân gian, ngôn ngữ, cùng nhiều tập tục, sinh hoạt hằng ngày của người dân còn được lưu giữ đến hôm nay.
Nguy cơ trở thành phế tích
Hiện nay, hầu hết các di tích về Champa ở Thừa Thiên Huế đã tồn tại hàng nghìn năm, chịu sự tác động của thiên nhiên khắc nghiệt và chiến tranh ác liệt, đã trở thành phế tích. Hai trong số ba di tích Champa tại Thừa Thiên Huế được công nhận là di tích cấp quốc gia hiện xuống cấp nghiêm trọng, chưa được tu bổ.
Thành Lồi là một trong những di tích Champa hiếm hoi còn sót lại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo "Ðại Nam nhất thống chí", đây là chỗ ở của vua Chiêm Thành, gọi là Phật Thệ, tục gọi Thành Lồi. Vào năm 2014, Thành Lồi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cấp quốc gia. Thế nhưng, đến Thành Lồi, ta không thể nhìn ra đó là di tích cấp quốc gia bởi sự hoang tàn bao phủ di tích. Bờ thành bị các loài cây dây leo, cây dứa phủ bám; lối dẫn vào âm u, rậm rạp bởi những loài cây hoang dại. Người dân vô tư lấn chiếm, xâm phạm khu vực chân bờ thành để tiến hành chôn cất, xây dựng mồ mả. Các khu đất trống trong di tích đã bị biến thành rừng keo tràm...
Tại phường Hương Xuân (thị xã Hương Trà), tháp đôi Liễu Cốc (được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1997) cũng là một biểu tượng của nền văn hóa Champa hiện tồn tại. Tuy nhiên, tháp này đang đứng trước nguy cơ trở thành phế tích. Trong đó, tòa tháp lớn với cây cối bao quanh, tòa tháp nhỏ thì đổ sập và bị dây leo, cây cỏ phủ kín, không còn nhận ra hình dạng.
Các di sản văn hóa Champa trên đất Huế chính là một phần của di sản văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, do các di tích tồn tại từ thời cổ xưa, qua biến động của thời gian, nay đã bị xuống cấp, mai một nhiều so với những di tích Champa ở các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa... Di tích Thành Lồi nay chỉ còn đoạn thành phía nam tương đối nguyên vẹn. Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đã chọn đoạn thành này để khoanh vùng bảo vệ di tích, với tổng diện tích của cả hai khu vực gần 2ha, trong đó khu vực 1 có diện tích hơn 1,2ha.
Về kinh phí trùng tu, trung bình mỗi năm đơn vị này chỉ được cấp từ 3 đến 4 tỷ đồng cho tất cả di tích, riêng những năm gần đây chỉ có 400-500 triệu đồng. Vì vậy, việc bảo tồn các di tích, trong đó có một số di tích cổ Champa, rất khó khăn. Thậm chí, có di tích đã khai quật lên nhưng buộc phải lấp cát lại vì không đủ tiền để bảo tồn. Ðể bảo vệ hiện trạng các di tích Champa, Bảo tàng Lịch sử tỉnh đã khoanh vùng và giao cho chính quyền địa phương triển khai công tác bảo vệ theo quy định.
TS Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh cho biết, trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ thứ II đến đầu thế kỷ XIV (gần 12 thế kỷ), ở Thừa Thiên Huế đã hình thành nên một di sản văn hóa đồ sộ. Người Việt khi đến sinh sống, định cư ở vùng đất mới có lối sống ứng xử khôn khéo, tôn trọng, kế thừa và phát huy các thành tựu văn hóa mà cư dân Champa để lại, như Giáo sư Trần Quốc Vượng đã nhận định: "Một bản sắc địa văn hóa được người Việt kế thừa từ người Champa". Vấn đề lớn đặt ra tại hội thảo là bằng cách nào gìn giữ, tôn tạo và phát huy những giá trị văn hóa Champa trên đất Thừa Thiên Huế.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Champa
Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích và hiện vật Champa ở Thừa Thiên Huế; đối với các di tích, phế tích Champa, cần tiến hành số hóa và bảo quản tốt các tư liệu, hiện vật đã có, nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu số, tạo điều kiện cho việc quản lý bền vững di tích và thuận lợi cho công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế. Ðối với các phế tích Champa bị đổ nát hoàn toàn thì cần tổ chức khai quật khảo cổ các phế tích để nghiên cứu và thu hồi hiện vật. Còn các di tích Champa ít bị xâm hại hoặc bị xâm hại nhưng vẫn còn tương đối nguyên vẹn thì thực hiện trùng tu, bảo tồn và phục nguyên di tích... Cần lập hồ sơ khoa học những công trình liên quan đến văn hóa Champa để đề nghị các cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích. Bên cạnh đó, tiến hành tôn tạo và bảo quản tại chỗ đối với các nhóm di tích và di vật Champa đã được người dân địa phương chuyển đổi thành những nơi thờ tự và trở thành các đối tượng thờ cúng của cộng đồng. Ðây là những chứng tích đặc biệt chứng minh quá trình giao thoa văn hóa và quá trình Việt hóa các di sản văn hóa Champa của cư dân Việt trong hành trình nam tiến của dân tộc.
Việc định hướng xây dựng một con đường di sản thành cổ Champa ở Bắc Trung Bộ sẽ góp phần vào việc phát huy giá trị vốn có của chúng, làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch cho vùng đất, mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần bảo tồn di sản. Bên cạnh đó, các ý kiến khác bày tỏ, cần khai quật ở những di tích thành cổ, kiếm tìm hiện vật, xây dựng lý lịch hiện vật chi tiết; gắn biển chỉ dẫn di tích, từng bước giới thiệu với du khách như là cách thức từng bước làm sống lại loại hình di tích này... Ngoài ra, ở Huế số lượng hiện vật do các nhà sưu tập tư nhân nắm giữ còn khá nhiều, từ 40-50 hiện vật. Do đó, Nhà nước cần sớm ban hành cơ chế khuyến khích, vận động để họ hiến tặng, cho mượn trưng bày hoặc cho phép làm các bản sao (đối với hiện vật có tính quý hiếm), đồng thời có kế hoạch bố trí nguồn kinh phí để mua lại các hiện vật có giá trị cao nhằm tránh sự thất lạc, mất mát về sau.
Các chuyên gia cho rằng, để bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa Champa trên địa bàn, đề nghị cần thống nhất việc quản lý hiện vật hiện nay do các tổ chức nhà nước quản lý về một đầu mối (thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Huế hoặc thành lập Bảo tàng văn hóa Champa Huế). Ðơn vị chuyên môn khi được tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì sẽ xây dựng kế hoạch quản lý (Ðề cương trưng bày, kinh phí thực hiện, lực lượng cán bộ chuyên môn...). "Tiếp tục lập hồ sơ để văn hóa Champa tại Thừa Thiên Huế là di sản văn hóa quốc gia, đồng thời định hướng thành lập một không gian trưng bày riêng về nền văn hóa này, có thể là Bảo tàng văn hóa Champa hoặc Bảo tàng Văn hóa Huế nhưng có không gian riêng để trưng bày về văn hóa Champa", Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử, TS Phan Tiến Dũng kiến nghị.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, trong văn hóa Huế, di sản văn hóa Champa là một lớp trầm tích văn hóa rất sâu, là một trong những thành tố có vị trí khá đặc biệt, góp phần cấu thành bản sắc văn hóa Huế. Ðó không chỉ là sự tồn tại đa dạng về các di tích, di sản vật thể của nền văn hóa Champa, mà nhiều yếu tố văn hóa phi vật thể như tín ngưỡng, ẩm thực, ngôn ngữ, hoạt động sản xuất... cũng được người Huế tiếp nhận và phát triển phù hợp trong dòng chảy văn hóa cho đến bây giờ. "Việc thành lập Bảo tàng văn hóa Champa không chỉ thuần túy là để trưng bày, phát huy giá trị di sản vật thể, mà còn quảng bá, giới thiệu đến công chúng những giá trị văn hóa phi vật thể thời Champa còn lưu dấu và hiện hữu trong đời sống văn hóa của xứ Huế", ông Hoa nhấn mạnh.