Phát huy giá trị không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra chủ trương xây dựng thành phố thành "không gian văn hóa Hồ Chí Minh" với mục tiêu "làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nếp sống, đặc trưng văn hóa của đảng viên và nhân dân thành phố". Ðây là chủ trương độc đáo, mang tính sáng tạo của Ðảng bộ thành phố trong giai đoạn hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Triển lãm về "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" tại quận 1.
Triển lãm về "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" tại quận 1.

Thực hiện chủ trương này, các đơn vị, địa phương đã có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, ý nghĩa, có đặc điểm, tính chất, giá trị riêng.

Xứng đáng với niềm vinh dự

Là một thành phố lớn có vị trí đặc biệt, có lịch sử "đi trước về sau", có quá trình "vì cả nước, cùng cả nước"; đồng thời, cũng là nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và vinh dự là thành phố mang tên Người, Thành phố Hồ Chí Minh lần đầu tiên trong lịch sử thành phố (cũng là lần đầu tiên trong cả nước) đưa vào văn kiện Ðại hội Ðảng bộ và đang từng bước xây dựng "không gian văn hóa Hồ Chí Minh". Trong buổi làm việc chuẩn bị cho Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025 giữa Bộ Chính trị với Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Thành phố Hồ Chí Minh cần phát triển xứng đáng với niềm vinh dự là địa phương duy nhất của cả nước được mang tên của Người. Ðảng bộ thành phố phải suy nghĩ làm sao để tên gọi trở thành động lực phát triển của thành phố, trở thành thuộc tính văn hóa của thành phố; tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm vào từng người dân, trở thành một đặc thù của công dân Thành phố Hồ Chí Minh. Từ định hướng đó, trên cơ sở các giá trị, thực tiễn lịch sử, Thành phố Hồ Chí Minh xác định sẽ dần hình thành một không gian văn hóa mang tên Hồ Chí Minh với những đặc điểm, tính chất, giá trị riêng, gắn liền với các đặc điểm, tính chất, giá trị của văn hóa Hồ Chí Minh. Nói cách khác, trên cơ sở đặc điểm về điều kiện kinh tế, văn hóa, lịch sử, tập quán... của mình, người dân thành phố sẽ tiếp biến và phát triển các nét đặc sắc về tư tưởng, đạo đức, phong cách... của Chủ tịch Hồ Chí Minh để trở thành giá trị riêng của người dân thành phố.

Thực hiện chủ trương này, nhiều cơ quan, đơn vị đã có những "ý tưởng riêng" trên cơ sở giá trị chung để tạo ra những "không gian văn hóa Hồ Chí Minh" phong phú, đa dạng với nhiều mô hình sáng tạo. Trong đó, Thành đoàn hướng đến xây dựng bảo tàng tương tác thông minh với việc xây dựng "không gian văn hóa Hồ Chí Minh" trên mạng với hình thức song ngữ Anh-Việt để kiều bào, người nước ngoài cũng có thể tiếp cận thông tin, tư liệu quý về Bác. Ðường Sách thành phố đã có tủ sách "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Công ty TNHH Ðường Sách thành phố phối hợp thực hiện, với số lượng hơn 100 đầu sách. Ðộc giả đến với tủ sách sẽ tiếp cận được những trang sách, tài liệu quý về Bác vừa ở dạng sách truyền thống, vừa có phiên bản sách điện tử. Tại quận Phú Nhuận, để thanh, thiếu nhi đến gần hơn với Bác, Quận đoàn Phú Nhuận xây dựng công trình "không gian Bác Hồ với thiếu nhi". Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Quận đoàn Phú Nhuận Ngô Hải Yến, công trình được xây dựng với các hạng mục lớn, như khu vực tái hiện thân thế và sự nghiệp của Bác Hồ thông qua hệ thống tư liệu hình ảnh, tranh, infographic. Nơi đây còn trưng bày nhiều tư liệu hình ảnh thể hiện tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đoàn viên, thanh niên, đội viên, thiếu nhi và tác phẩm sách, báo, truyện về Bác Hồ.

Nhân lên các giá trị to lớn

Theo PGS,TS Ngô Phương Lan, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học-Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, một số giá trị chuẩn mực văn hóa có nguy cơ bị phai nhạt, dẫn đến xuất hiện sự dao động niềm tin, sự phân hóa trong nhận thức, trong hành động và ứng xử đối với các giá trị văn hóa tốt đẹp. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng "không gian văn hóa Hồ Chí Minh", để tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu hơn vào mỗi người dân thành phố, là "kim chỉ nam" cho mọi hành động của cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân càng trở nên có ý nghĩa to lớn. Nhằm phát huy hơn nữa giá trị của "không gian văn hóa Hồ Chí Minh", để giá trị này là một trong những động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng, phát triển văn hóa và con người thành phố đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, PGS,TS Ngô Phương Lan nêu một số giải pháp: Phát triển hài hòa đời sống vật chất và tinh thần để hai yếu tố này vừa bổ sung, bổ trợ nhau nhằm tạo sự hài hòa, thuận lợi trong việc xây dựng "không gian văn hóa Hồ Chí Minh". Tiếp đó là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa. Trong đó, trọng tâm là nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ văn hóa để thực hiện tốt công tác quản lý, phát triển, khai thác, sử dụng hiệu quả các công trình văn hóa, các thiết chế văn hóa, các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong xây dựng "không gian văn hóa Hồ Chí Minh". Phát huy mạnh mẽ giá trị các di tích lịch sử-văn hóa, các thiết chế văn hóa trên địa bàn thành phố gắn với sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa yêu nước, ý thức tự lực, tự cường, khát vọng giải phóng dân tộc, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các tầng lớp nhân dân. Theo PGS,TS Ngô Phương Lan, việc đẩy mạnh xây dựng "không gian văn hóa Hồ Chí Minh" trên không gian mạng, truyền thông, báo chí cũng cần được tăng cường thường xuyên để giáo dục, bồi đắp nền tảng đạo đức, văn hóa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm sâu trong mỗi người dân thành phố thông qua tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí truyền thông. Ngoài ra, thành phố cần hoàn thành quy hoạch "không gian văn hóa Hồ Chí Minh".

Hiện nay, việc xây dựng "không gian văn hóa Hồ Chí Minh" đã diễn ra sôi nổi và mạnh mẽ nên cần có sự quy hoạch và hệ thống "không gian văn hóa Hồ Chí Minh" và mạng lưới các tiểu "không gian văn hóa Hồ Chí Minh". Trong đó, chú trọng các điểm nhấn quan trọng trong diện mạo phát triển chung của thành phố; phát huy vai trò của các thiết chế văn hóa trong "không gian văn hóa Hồ Chí Minh" là nơi sinh hoạt thường xuyên phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí, các hoạt động văn hóa, văn nghệ.