Tại buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao những nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc… tỉnh Cà Mau trong việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện đồng bộ Kết luận số 120 của Bộ Chính trị. Đặc biệt, cả hệ thống chính trị tỉnh đã xem thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) là nhiệm vụ chiến lược, then chốt và thường xuyên, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Các cấp ủy, chính quyền… trong tỉnh nêu cao tinh thần, trách nhiệm, đặc biệt là vai trò người đứng đầu cơ quan, đơn vị… trong thực hiện QCDC ở cơ sở được nâng cao, tạo phấn khởi trong nhân dân, khẳng định vai trò làm chủ của nhân dân.
Cũng nhờ đó, dân chủ trong Đảng được mở rộng, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng có nhiều đổi mới; các chính sách của Nhà nước được các cấp chính quyền tổ chức thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch; công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền chuyển mạnh theo hướng cụ thể, gần dân, sát dân, vì dân phục vụ. “Trong điều kiện đặc thù vùng sông nước có xuất phát điểm rất thấp, điều kiện hết sức khó khăn nhưng các chỉ số mà Cà Mau đạt được như hiện nay là một nỗ lực rất lớn, đặc biệt hộ nghèo chỉ còn 1,57%, hơn 53% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và thu ngân sách trong năm 2020 đạt tới hơn 6.000 tỷ đồng” - đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai tiếp thu các ý kiến đề xuất của Cà Mau, đặc biệt trong việc bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật; có chế độ chính sách hợp lý đối với cán bộ ở cơ sở… Trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc… Cà Mau: Tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn nữa các quan điểm chỉ đạo của Chỉ thị 30 và Kết luận 120 của Bộ Chính trị và các văn bản liên quan của Đảng, Nhà nước; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện QCDC tại từng địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm thực chất và hiệu quả. Phải làm sao để việc thực hiện QCDC và phát huy dân chủ trở thành công việc thường xuyên, liên tục, là động lực phát triển kinh tế-xã hội, là điều kiện để chăm lo tốt hơn đời sống, lợi ích, hạnh phúc của nhân dân, cũng như công bằng xã hội, bảo đảm an ninh, an sinh xã hội, tạo động lực cho các phong trào hành động cách mạng của quần chúng, tham gia phát triển đất nước nói chung và từng địa bàn, cơ quan, đơn vị nói riêng.
Song hành với đó, cần chú trọng giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật; đề cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân; kiên quyết phê phán, lên án, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng dân chủ, coi thường kỷ cương phép nước, kích động gây rối, làm mất an ninh, trật tự ở cơ sở, làm hại đến lợi ích của nhân dân.
Các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp ở Cà Mau cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm chính sách, pháp luật được thực thi có hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi để nhân dân thực hiện các thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, tăng cường đối thoại, quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh các điểm nóng, vụ việc phức tạp, kéo dài. Nâng cao đạo đức công vụ, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chính quyền thật sự thân thiện, gần dân, trọng dân và vì dân.
Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị ở Cà Mau cần thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là quyền giám sát của nhân dân theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”…