Phát huy các nguồn lực từ đối ngoại nhân dân

Thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 6/7/2011 của Ban Bí thư về "Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới", thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại nhân dân, qua đó, góp phần thắt chặt thêm tình hữu nghị, quan hệ hợp tác, phát triển giữa Việt Nam và các nước.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn công tác của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh trồng cây bàng vuông lưu niệm tại Thủ đô Viêng Chăn (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) trong chuyến thăm và làm việc tại Lào vào tháng 7/2022. (Ảnh: MTTQ Thành phố Hồ Chí Minh).
Đoàn công tác của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh trồng cây bàng vuông lưu niệm tại Thủ đô Viêng Chăn (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) trong chuyến thăm và làm việc tại Lào vào tháng 7/2022. (Ảnh: MTTQ Thành phố Hồ Chí Minh).

Vượt qua những khó khăn, nhiều công tác đối ngoại nhân dân đã gây dựng được niềm tin, nét đẹp riêng, từ đó tạo dựng các cơ sở để vun đắp thêm tình đoàn kết, gắn bó, phát triển trong hoạt động ngoại giao.

Gắn kết từ văn hóa tương đồng

Tháng 4/2022, em Phoummy Bin (quốc tịch Lào, hiện đang theo học tại Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh kết nối, giới thiệu về sống cùng gia đình chị Phạm Thị Bích Liên (ngụ Phường 2, Quận 5). Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình "Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh" năm 2022.

Dù đã nắm trước được kế hoạch, thông tin về nơi ở, người mà mình sẽ ở cùng nhưng những ngày đầu tiên về "gia đình mới" đối với Phoummy Bin vẫn vô cùng bỡ ngỡ. Nhưng rồi, khi chị Phạm Thị Bích Liên, người mà bây giờ Phoummy Bin xem như người mẹ thứ hai của mình, ân cần chăm sóc, hướng dẫn cặn kẽ cho Phoummy Bin mọi thứ, sau một thời gian ngắn sau, Bin đã làm quen và thuần thục với nếp sinh hoạt của "gia đình thứ 2" của mình.

Phoummy Bin tâm sự: Đây là khoảng thời gian rất ý nghĩa và đẹp đẽ đối với tuổi trẻ của mình khi ở với gia đình mẹ Liên. Từ khi tham gia chương trình này, chúng tôi có cơ hội tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của Thành phố Hồ Chí Minh cũng như của Việt Nam; đồng thời, giới thiệu về bản sắc văn hóa của nước Lào tới các bạn Việt Nam. Vinh dự được tham gia chương trình năm thứ 2, chị Nguyễn Thị Hằng (ngụ Phường 13, Quận 4) hiện đang nhận đỡ đầu nuôi hai sinh viên Việt và ba sinh viên Lào đang học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chị Hằng cho biết: Việc nhận nuôi các bạn sinh viên nước ngoài không còn là trách nhiệm mà còn là tình cảm gắn bó, xem các em sinh viên như người thân trong gia đình. Qua thời gian, các thành viên trong gia đình cũng có dịp hiểu thêm về văn hóa của các quốc gia.

Chương trình "Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh" năm 2022 hiện có 42 sinh viên Lào, sáu sinh viên Campuchia và 33 gia đình Việt Nam đủ điều kiện tham gia. Nhằm hun đúc cho hoạt động ý nghĩa này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố và các tổ chức thành viên đã phối hợp tổ chức các hoạt động đồng hành như tổ chức chương trình gặp gỡ, tìm hiểu văn hóa giữa gia đình Việt Nam với sinh viên Lào, Campuchia.

Trong các lễ hội Tết cổ truyền của các quốc gia, các gia đình Việt đều tham gia các hoạt động truyền thống để thưởng thức văn hóa, ẩm thực của các quốc gia còn lại. Trong Ngày hội Áo dài Việt Nam, các nữ sinh viên hai nước Lào, Campuchia vừa thích thú, vừa lạ lẫm trong bộ áo dài truyền thống Việt. Đặc biệt, trong ngày hội "Gia đình Việt Nam-Lào-Campuchia" với các hoạt động như: thi cắm hoa, vẽ tranh, nặn tò he; giao lưu văn nghệ,... đã tạo nên sự gắn kết, vui tươi giữa các thành viên trong gia đình, tôn vinh giá trị và ý nghĩa của nét văn hóa gia đình.

Nguồn lực lớn từ đối ngoại nhân dân

Còn nhớ, vào tháng 8/2022, hơn 200 thiếu nhi và cán bộ 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia đã có khoảng thời gian thật sự ý nghĩa bên nhau trong Liên hoan thiếu nhi ba nước năm 2022. Ý nghĩa hơn, đây là hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào (5/9/1962-5/9/2022), 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào (18/7/1977-18/7/2022), 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia (24/6/1967-24/6/2022).

Phát biểu trong buổi giao lưu giữa thiếu nhi ba nước, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam sẽ tạo điều kiện tốt nhất để tăng cường giao lưu, hợp tác giữa thanh, thiếu nhi ba nước. Nhân dân ba nước có nhiều điểm tương đồng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và ngày nay đang cùng nhau hợp tác, đoàn kết và xây dựng, bảo vệ đất nước.

Cùng với sự phát triển của quan hệ tốt đẹp giữa ba quốc gia thì hợp tác, giao lưu, hữu nghị giữa thanh, thiếu nhi ba nước cũng sẽ ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, mang lại lợi ích thiết thực cho thanh, thiếu nhi ba nước, thể hiện sinh động tình đoàn kết, hữu nghị giữa ba dân tộc.

Vun đắp cho tình hữu nghị Việt-Lào, tháng 7/2022, đoàn công tác của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh đã có chuyến thăm và làm việc tại nhiều địa phương nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trao gửi đến chính quyền và nhân dân một số địa phương Lào những món quà đầy tình nghĩa, đặc biệt là sự chăm lo, vun đắp cho các công trình hữu nghị, đoàn kết giữa hai nước.

Mối quan hệ giữa hai nước Việt-Lào còn được tuổi trẻ hai nước phát huy nhiều năm qua thông qua các hoạt động tình nguyện của thanh niên thành phố với hàng trăm công trình an sinh xã hội cho người dân, thanh niên, trẻ em nhiều địa phương của Lào. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, Trần Kim Yến cho rằng: Dù còn nhiều khó khăn, song hoạt động đối ngoại nhân dân năm 2022 của hệ thống Mặt trận các cấp đã đóng góp tích cực vào việc quá trình khôi phục phát triển của thành phố, góp phần vào thành công chung của công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước.

Theo đồng chí Trần Kim Yến, nguồn lực từ sự đóng góp của gần ba nghìn doanh nghiệp có vốn đầu tư của kiều bào, hơn 400 chuyên gia, trí thức kiều bào đang làm việc dài hạn tại thành phố, gần 200 trí thức hợp tác với các trường đại học, khu công nghệ cao, bệnh viện… và đặc biệt năm 2022, kiều hối đạt hơn 6,6 tỷ USD, chiếm 40-50% lượng kiều hối cả nước sẽ là nguồn sức mạnh, động lực để thành phố tiếp tục tiến về phía trước.

Bộ Chính trị mới đây đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021, tiếp tục khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán và đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về củng cố vững chắc đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân ở trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài nhằm phát huy mạnh mẽ sức mạnh toàn dân tộc cho phát triển đất nước.