Phát huy bản sắc văn hóa của đô thị sông nước

Lễ hội sông nước Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất - năm 2023 vừa diễn ra đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho du khách và người dân nơi đây. Có thể nói, đây là sự kiện du lịch, văn hóa lớn nhất từ trước đến nay trong việc phát huy bản sắc văn hóa của một đô thị sông nước, một tài nguyên quý giá mà thành phố có được nhưng vẫn còn "ngủ yên" trong nhiều năm qua.
0:00 / 0:00
0:00
Biểu diễn tàu, thuyền ở khu vực sông Sài Gòn.
Biểu diễn tàu, thuyền ở khu vực sông Sài Gòn.

Lễ khai mạc Lễ hội sông nước diễn ra tại khu vực Cột cờ Thủ Ngữ, một trong những di tích, biểu tượng tiêu biểu của đô thị sông nước Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Ðịnh-Thành phố Hồ Chí Minh. Vào tháng 10/1865, người Pháp cho dựng cột cờ này tại cửa rạch Bến Nghé dùng để treo các cờ hiệu hàng hải thông báo tin tức cho các tàu thuyền. Và cũng chính tại cột cờ duy nhất của Sài Gòn xưa và nay đã chứng kiến những thời khắc quan trọng trong lịch sử đấu tranh của quân và dân thành phố. Ngày 25/8/1945, cờ đỏ sao vàng tung bay trên Cột cờ Thủ Ngữ. Ngày Nam Bộ kháng chiến, một tiểu đội tự vệ Sài Gòn chiến đấu với một đại đội quân Anh để bảo vệ cột cờ và hy sinh đến người cuối cùng. Ðến ngày mồng 2 Tết Mậu Thân (1968), cờ đỏ sao vàng lại tung bay trên Cột cờ Thủ Ngữ. Và ngày 30/4/1975, cờ chính quyền cách mạng đã được kéo lên tại đây, báo hiệu cho người dân thành phố ngày thống nhất đất nước, non sông liền một dải đã đến.

Giờ đây, từ Cột cờ Thủ Ngữ, nhìn ra sông Sài Gòn, người dân Thành phố Hồ Chí Minh đang chứng kiến một lễ hội sông nước với nhiều tàu, thuyền các loại đang trình diễn trong không gian khoáng đạt, nắng gió chan hòa. Anh Nguyễn Văn Nhơn (huyện Củ Chi) cho biết, chưa bao giờ anh thấy sông Sài Gòn sống động với nhiều tàu, thuyền biểu diễn như thế. Người dân, du khách rất phấn khởi khi nhận ra du lịch sông nước của thành phố đã được quan tâm nhiều hơn. Và nằm trong chương trình lễ hội, Giải Vô địch đua thuyền truyền thống Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng diễn ra vào ngày 5/8 vừa qua trên sông Sài Gòn thu hút 25 đoàn với 650 vận động viên đến từ các ban, ngành, tổ chức xã hội, Trung tâm Thể dục-Thể thao thành phố Thủ Ðức, các quận, huyện, các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố về tham dự. Hoạt động này đã làm tăng thêm ý nghĩa, tính hấp dẫn, sôi động của Lễ hội sông nước.

Không dừng lại ở đó, Ban tổ chức lễ hội còn tái hiện không gian "Trên bến dưới thuyền" tại kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Người dân và du khách như được trở về Sài Gòn xưa với không gian giao thương thuở sơ khai, khi giao thông đường bộ chưa phát triển, giao thông đường thủy là loại hình di chuyển chủ yếu của người dân. Tại không gian này, Ban tổ chức đã hình thành ở khu vực trên bến 20 gian hàng trưng bày giới thiệu nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP của thành phố, ẩm thực đặc trưng và các hoạt động nghệ thuật như nặn tò he, thư pháp,... Không gian dưới thuyền bao gồm trưng bày giới thiệu trái cây các vùng miền, tổ chức các chương trình nghệ thuật với các thể loại từ truyền thống như trình diễn nghệ thuật đờn ca tài tử, dân ca đến hiện đại như nhạc acoustic. Bên cạnh đó, triển lãm tranh về thành phố, các tiểu cảnh theo chủ đề của Lễ hội sông nước và các hoạt động thể thao dưới nước, diễu hành ván phản lực, thuyền truyền thống, thuyền kayaz du lịch, thuyền SUP, thuyền buồm, biểu diễn fly board cũng được thực hiện và thu hút đông đảo người dân đến tham quan. Cùng với đó, tại các điểm trung tâm thành phố như công viên Lam Sơn, du khách, người dân thành phố còn được thưởng thức các chương trình âm nhạc dân tộc, đờn ca tài tử… Tất cả tạo nên một không gian văn hóa truyền thống giữa lòng đô thị hiện đại.

Lễ hội sông nước Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất - năm 2023 là sự kiện đầu tiên, độc đáo, hấp dẫn, đánh dấu hướng phát triển mới của du lịch đường thủy thành phố, không chỉ quảng bá lịch sử, đặc trưng văn hóa mà còn khai thác các giá trị từ tài nguyên sông, biển của thành phố, góp phần định vị thương hiệu đô thị sông nước giàu bản sắc nơi đây. Qua đó lan tỏa niềm tự hào, tình yêu dành cho thành phố cũng như truyền cảm hứng du lịch, khám phá điểm đến Thành phố Hồ Chí Minh tới du khách trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy và phát triển kinh tế-xã hội. Lễ hội cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp lữ hành và lưu trú giới thiệu các sản phẩm dịch vụ du lịch với du khách trong nước và quốc tế, đồng thời, kết nối hành trình trải nghiệm trên sông và các tour tuyến du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh miền Tây và miền Ðông Nam Bộ, tạo nên những mô hình kinh tế du lịch đa dạng và phát triển.

Theo thống kê, hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh có 28 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển du lịch đường thủy, tuy số lượng còn hạn chế nhưng trước sức hút của Lễ hội sông nước Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều doanh nghiệp tham gia vào gói kích cầu để góp phần quảng bá du lịch đường thủy của thành phố với nhiều gói "siêu khuyến mãi" và quà tặng, dịch vụ đi kèm. Bên cạnh chương trình "Tham quan Cần Giờ bằng tàu cao tốc", "Tham quan Củ Chi bằng tàu cao tốc", tour du lịch đường thủy tầm ngắn, nội đô, với các sản phẩm như: Sài Gòn đẹp lắm; Dấu ấn Sài Gòn; Lãng mạn trên dòng kênh huyền thoại; Một thoáng Sài Gòn; Ngắm hoàng hôn bằng tàu cao tốc, du thuyền sang trọng, tận hưởng không gian xanh Thủ Ðức; Thành phố bên dòng sông xanh Thủ Ðức; Trải nghiệm du thuyền ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn,… đang ngày càng được du khách ưa thích, lựa chọn.

Lễ hội sông nước lần thứ nhất đã khép lại, nhưng mở ra một chương mới cho sự phát triển du lịch nói riêng và sự phát triển kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nói chung. Ðồng thời, như lời phát biểu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi trong lễ khai mạc, Lễ hội sông nước Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất giúp cho du khách cảm nhận sâu sắc hơn về sự thân thiện, cởi mở, hào sảng và phóng khoáng của người thành phố, về văn hóa "Trên bến dưới thuyền" của vùng đất hơn 300 năm tuổi, để thêm yêu và tự hào về thành phố mang tên Bác, một thành phố anh hùng, giàu sức sống, tràn đầy năng lượng, luôn trân trọng quá khứ và không ngừng hướng đến tương lai ■