Phát hiện và phòng ngừa kịp thời vi-rút Adeno

Từ tháng 8 đến nay, số ca nhiễm vi-rút Adeno liên tục gia tăng gây bất an cho không ít gia đình có trẻ nhỏ. Dù không phải là bệnh mới, tuy nhiên, việc ghi nhận có sáu ca tử vong cho thấy đây là dịch bệnh cần được chú trọng phòng ngừa ngay từ các gia đình.
0:00 / 0:00
0:00
Bác sĩ tại Bệnh viện Thanh Nhàn khám bệnh cho một trẻ bị suy hô hấp. (Ảnh Trà My)
Bác sĩ tại Bệnh viện Thanh Nhàn khám bệnh cho một trẻ bị suy hô hấp. (Ảnh Trà My)

Giống như cúm, vi-rút Adeno hoạt động quanh năm, nhưng phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa xuân-hè hoặc thu-đông, gây bệnh hô hấp cho người ở mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất là ở trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi. Theo ghi nhận của phóng viên, số trẻ tới khám và nhập viện trong thời điểm này tại các bệnh viện tại Hà Nội liên tục tăng, nhiều nơi ghi nhận số lượng đông chưa từng thấy. Tại Khoa Nhi hô hấp của Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, một nửa số trẻ đang điều trị tại đây được xác định nhiễm vi-rút Adeno. Bệnh nhân tới khám và nhập viện chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi, triệu chứng chung là sốt cao liên tục, nhiều trường hợp có kèm viêm kết mạc, ho, tiêu chảy. Những trường hợp có dấu hiệu suy hô hấp được chỉ định nhập viện.

Đưa con nhỏ nhập viện đã ba ngày nay, trên khuôn mặt mệt mỏi của chị Trần Thu Vân (đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn còn nét hoang mang. Chị Vân kể: "Bình thường, bé nhà tôi cũng hay sốt, nhưng sốt nhẹ và tầm hai ngày là khỏi. Vì thế lần này thấy con bị sốt, ho, tôi mua thuốc rồi tự điều trị cho con tại nhà. Thế nhưng suốt hai ngày bé sốt quấy và mệt mỏi rõ rệt, thở khó, cộng với thông tin về dịch bệnh mới trong trẻ, khiến vợ chồng tôi rất lo lắng, phải đưa bé đi khám. Kết quả cháu bị nhiễm vi-rút Adeno và được bác sĩ chỉ định phải nhập viện điều trị ngay".

Theo một điều dưỡng tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, mọi năm, tại đây cũng có rải rác các ca viêm phổi, viêm phế quản do vi-rút này, nhưng việc số người mắc đông như thời điểm này là điều chưa từng thấy. Trong khi đó, tại khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, ba tuần qua, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 30 trẻ mắc bệnh về đường hô hấp. Bệnh viện phải điều động thêm giường từ khoa khác sang. Đây cũng là những bệnh nhi có triệu chứng khó thở, còn các trường hợp viêm đường hô hấp được chỉ định về theo dõi tại nhà.

Báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương mới đây cho thấy, từ đầu năm 2022 đến giữa tháng 9/2022 đã phát hiện 412 trường hợp mắc bệnh do vi-rút Adeno (nhiều hơn năm 2021), trong đó 76% (324 trường hợp) có chỉ định nhập viện, số người mắc có xu hướng tăng từ tháng 8/2022 đến nay. Đáng chú ý là đã ghi nhận sáu trường hợp tử vong.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, vi-rút Adeno chia làm bảy nhóm từ A-G trong đó có hơn 50 tuýp gây bệnh ở người và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể. Các tổn thương thường gặp nhất khi mắc vi-rút Adeno là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, nôn, buồn nôn,…), viêm bàng quang, viêm não, màng não,… Trong đó, trẻ nhiễm vi-rút Adeno thường có các biểu hiện như: Sốt cao, ho, khò khè, có thể kèm theo viêm kết mạc mắt và rối loạn tiêu hóa. Với trẻ có biểu hiện nặng thì xuất hiện tình trạng khó thở. "Chúng tôi đặc biệt khuyến cáo phụ huynh cũng như trẻ cần rửa tay sát khuẩn thường xuyên, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Ngoài ra, trẻ cũng cần được tiêm chủng đầy đủ vắc-xin để phòng các bệnh lý hô hấp khác", PGS, TS Lê Thị Hồng Hanh nói.

Còn theo bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn), trong một số trường hợp hiếm hoi, tình trạng bệnh sẽ nặng hơn nếu nhiễm Adeno như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, viêm gan..., nếu để muộn có thể tử vong. "Cha mẹ khi thấy con bị mắc bệnh, hãy quan sát tình trạng của trẻ, nếu có ít nhất một trong ba biểu hiện sau sốt cao kéo dài (có thể hơn 400C), hơi thở nặng nề, da tái nhợt, lơ mơ, ho khan dữ dội… thì cần đưa con đi khám kịp thời. Còn lại, phần lớn các trường hợp nhẹ là không cần thiết xét nghiệm truy tìm vi-rút và các bác sĩ chỉ cần khám lâm sàng, kê đơn thuốc cho về nhà điều trị và theo dõi", bác sĩ Phúc nói.

Chuyên gia y tế khuyến cáo, phụ huynh cần phát hiện kịp thời, phòng lây nhiễm, không nên quá hoang mang, lo lắng vì đây là vi-rút xuất hiện mỗi năm. Tuy nhiên, để phòng bệnh lý hô hấp cũng như viêm phổi do vi-rút Adeno, cha mẹ cần bảo đảm chế độ dinh dưỡng đặc biệt cho trẻ. Trẻ có sức đề kháng tốt sẽ chống được việc nhiễm vi-rút đường hô hấp cũng như các vi-rút khác. Cùng với đó, người chăm sóc cần tránh để trẻ tiếp xúc với nguồn lây bệnh. Khi trẻ bị sốt, ho thì không nên cho uống thuốc kháng sinh vì không có tác dụng diệt vi-rút, chỉ dùng khi có sự bội nhiễm và theo chỉ định của bác sĩ. Nếu trong trường hợp trẻ sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt không giảm hoặc trẻ mệt, ho nhiều, gia đình cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám bệnh ■