Trước đó, ngày 2-8, khi đầu khai quật lần thứ hai tại khu vực di tích Chăm Phong Lệ, đoàn khảo cổ đã phát lộ được một ngôi đền tháp Chăm có niên đại sau thế kỷ thứ 10. Ngôi đền tháp Chăm này là phát hiện tiếp theo đợt khai quật khẩn cấp một di tích khảo cổ Chăm giữa năm 2011 cũng tại địa chỉ này.
Các nhà khoa học đã tiến hành khai quật trên tổng diện tích khoảng 500m2 để tiến hành làm rõ diện tích của ngôi tháp.
Qua xác định ban đầu, ngôi đền tháp Chăm này có diện tích khoảng 16x16m với bốn góc tháp, ba cửa phụ, một cửa chính. Hiện các nhà khảo cổ cũng đã xác định vị trí tháp chính, kích thước, vị trí trung tâm nơi đặt bệ thờ, xác định các bậc lên xuống ở các cửa tháp, độ dày của tường tháp, xác định độ rộng của tường tháp, kết cấu nền móng dưới tháp…
Sau gần một tháng khai quật rộng và sâu từng cụm trong lòng đền tháp Chăm này, chiều 22- 8, đoàn khảo cổ tiếp tục khai quật và phát hiện một hố trung tâm trong lòng tháp Chăm với nhiều hiện vật, kết cấu gần như nguyên vẹn. Hố vuông cạnh 4,25m bằng gạch Chăm trong lòng một kiến trúc có độ sâu hơn 2m. Trong lòng hố được lấp đầy khoảng 30m3 khối cát, sỏi xếp lớp. Đặc biệt sau khi đưa toàn bộ cát, sỏi ra khỏi hố, đoàn khảo cổ phát hiện có tám ô lõm chia ra tám hướng, nằm ở bốn góc và cạnh đáy ở độ sâu 2m. Trong mỗi ô lõm có xếp một viên gạch vuông vức nằm lên một viên đá cuội tròn, xung quanh có nhiều viên thạch anh và lấp đầy cát trắng.
Điều đặc biệt, ngay giữa đáy hố khai quật còn sót lại một dãy đá cuội và thạch anh xếp thành hình bán nguyệt. Theo tín ngưỡng của người Chăm thì ở tám hướng có tám vị thần cai quản, do đó có thể đây là tín ngưỡng tâm linh nói đến các vị thần canh giữ, bảo trì, tuy nhiên cv đá cuội, thạch anh có ý nghĩa tâm linh như thế nào thì cần phải tiếp tục nghiên cứu.
Về quy mô của kiến trúc vừa phát hiện, đoàn khảo cổ phán đoán nơi đây đã từng tồn tại một tháp Chăm có thể nói lớn nhất từ trước đến nay, cùng với quần thể kiến trúc tháp Chăm đã được phát lộ trước, cho thấy sự tồn tại một trung tâm tôn giáo của người Chăm từ thế kỷ 12.
Giám đốc Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng Võ Văn Thắng cho biết: “Ở khu đền tháp Chăm cổ này không phát hiện các hiện vật quý giá mà chỉ phát hiện dấu tích nền móng của khu đền tháp rất to lớn. Hiện đoàn khảo cổ đang tiếp tục khai quật rộng để giải mã ý nghĩa tín ngưỡng Chăm qua các hiện vật được tìm thấy”.