Nhà khảo cổ Im Sokrithy, đại diện của Apsara, cơ quan quản lý Angkor Thom cho biết: Pho tượng cao khoảng gần 2m, bị mất tay và cả hai chân, nặng khoảng 2 tạ, ước tính có niên đại vào khoảng thế kỷ 12 đến đầu thế kỷ 13, được phát hiện ra khi các nhà khảo cổ đào bới, khai quật khu vực y viện cổ. “Chúng tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra bức tượng. Mặc dù chịu sự tàn phá của thời gian, nhưng vẫn có thể thấy những nét chạm khắc, hoa văn vẫn còn nguyên vẹn trên pho tượng sa thạch này.” – ông nói.
Công viên khảo cổ Angkor là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất ở Campuchia và là di sản văn hóa thế giới, với những di tích, đền đài còn lại của những thủ đô khác nhau của vương quốc Khmer, có niên đại từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 15. Ở thời kỳ thịnh vượng đỉnh cao, vương quốc này có hàng trăm đền đài và hơn một triệu dân, và là một trong những thành phố tiền công nghiệp đông dân cư nhất trên thế giới vào thời kỳ này.
Bức tượng được tìm thấy bên cạnh một trong bốn y viện cổ được phát hiện cách đây 100 năm ở Angkor Thom, là một trong 102 y viện do nhà vua Jayavarman VII xây dựng. Tan Boun Suy, Phó Giám đốc cơ quan Apsara cho biết: Quyền lực của vua Jayavarman VII đã để lại nhiều dấu ấn trong các chương trình xã hội. Các y viện được làm bằng gỗ, trong khi đền đài được dựng lên bằng đá. Những di tích còn lại đến thời chúng ta ngày nay phần lớn là di tích đá, vì gỗ không trường tồn được qua thời gian dài như vậy”.
Dự án khảo cổ này do Apsara phối hợp với Viện nghiên cứu Đông Nam châu Á Yusof Ishak ở Singapore thực hiện. Nhiều sinh viên từ Mỹ và Australia cũng tham gia dự án này trong thời gian nghỉ hè.