Phát hiện 5.000 tranh cổ trong hang động Mexico

NDO -

NDĐT - Viện Lịch sử và Nhân chủng học Quốc gia Mexico (INAH) cho biết các nhà khảo cổ học nước này vừa phát hiện được gần 5.000 bức họa cổ trong hang động tại một dãy núi ở phía đông bắc Mexico, nơi người ta chưa từng phát hiện được sự tồn tại của các bộ tộc thời kỳ Pre-Hispanic.

Phát hiện 5.000 tranh cổ trong hang động Mexico

Các tác phẩm nghệ thuật cổ xưa này đã được phát hiện tại 11 địa điểm khác nhau trong hang động và khe núi thuộc địa phận khu tự trị Burgos, bang Tamaulipas, gần biên giới nước Mỹ. Trong số đó, tại một nơi được gọi là “Hang Ngựa” người ta đã phát hiện được hơn 1.550 bức tranh.

Các nhà khảo cổ hiện vẫn chưa thể xác định được niên đại của 4.926 bức tranh này, nhưng họ dự kiến sẽ sử dụng phương pháp phân tích phóng xạ carbon để xác định tuổi của chúng.

Các chuyên gia của INAH cho biết, các bức tranh vẽ hình ảnh con người, hươu nai, các loài bò sát và rết bằng các màu vàng, đỏ, trắng và đen đã miêu tả các hoạt động săn bắn, câu cá và hái lượm của những bộ tộc này. Họ cũng vẽ các hình ảnh trừu tượng, thiên văn và tôn giáo. Phần lớn các hình ảnh này hiện vẫn còn nguyên vẹnt.

Nhà khảo cổ học Martha Garcia Sanchez thuộc trường ĐH Zacatecas nói: “Đây là khám phá rất quan trọng bởi qua đó chúng ta có thể ghi nhận được sự tồn tại của các bộ tộc thời kỳ pre-Hispanic (thời kỳ trước khi người Tây Ban Nha xâm lược Mexico) ở Burgos, nơi mà trước đây chúng ta vẫn nghĩ rằng không có những bộ tộc này sinh sống”.

Các bức tranh được vẽ ra bởi ít nhất ba bộ tộc có tên là Guajolotes, Iconoplos và Pintos. Có những chứng cứ cho thấy còn có những bộ tộc khác đã di chuyển quanh dãy núi San Carlos, như Cadimas, Conaynenes, Mediquillos, Mezquites, Cometunas và Canaimes.

Bà Garcia Sanchez nói: “Những bộ tộc này đã trốn thoát khỏi sự kiểm soát của người Tây Ban Nha trong gần 200 năm. Họ chạy trốn tới dãy núi San Carlos, nơi họ có thể tìm được nước uống, thức ăn. Những người Tây Ban Nha đã không đi vào dãy núi và các thung lũng này”.