Theo thể lệ cuộc thi, tác giả là công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc trong và ngoài nước, là người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, là các nhà báo chuyên nghiệp hoặc cộng tác viên các cơ quan báo chí, truyền thông đều có thể tham dự giải.
Các tác phẩm tham dự cuộc thi là tác phẩm báo chí bằng tiếng Việt (hoặc tiếng dân tộc, tiếng nước ngoài được dịch ra tiếng Việt) viết về lĩnh vực y tế được đăng tải, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng do cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Các tác phẩm đăng tải/phát sóng từ ngày 15/6/2021 đến ngày 15/6/2022 đều được tham dự giải.
Ban Tổ chức cho biết, có 5 loại hình báo chí được xét chọn giải thưởng bao gồm: báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử, ảnh báo chí. Với nhiều thể loại có thể tham dự, như: tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, phóng sự điều tra, ký sự, ảnh đơn, nhóm ảnh, phóng sự ảnh…
Dự kiến có 4 mức giải: giải Nhất, giải Nhì, giải Ba và giải Khuyến khích; được trao cho 5 loại hình báo chí: báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử và ảnh báo chí.
Theo Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, việc tổ chức giải báo chí toàn quốc “Vì sức khỏe nhân dân” nhằm xét chọn, trao giải cho các tác phẩm báo chí có chất lượng cao, có sức lan tỏa rộng lớn, có đóng góp tích cực cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Thông qua giải báo chí nhằm giới thiệu, quảng bá những kết quả, thành tựu của công tác y tế, các tiến bộ y học trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đồng thời, phát hiện những tấm gương điển hình tiên tiến trong ngành y tế, cổ vũ, động viên các cán bộ trong toàn ngành y tế chung sức, đồng lòng tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa đối với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Thứ trưởng Y tế nhấn mạnh, trong 2 năm 2020 và 2021, báo chí đặc biệt tiên phong cung cấp kịp thời các thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên cả nước.
Lực lượng báo chí đã phát huy tinh thần chủ động, nhanh nhạy, kịp thời, sáng tạo không ngừng, cung cấp thông tin chính thống, chính xác cho các tầng lớp nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh; phản ánh những tấm gương tận tụy, hy sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái và sự sẻ chia trong cộng đồng để cùng nhau vượt qua đại dịch.
Đặc biệt, báo chí đã phản ánh rõ nét sự nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhất là là sự hưởng ứng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân; các chủ trương, giải pháp, quyết sách và việc triển khai nhanh chóng, quyết liệt, kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị… Nhờ đó, chúng ta từng bước kiểm soát được số ca nhiễm, ca tử vong; dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc được kiểm soát và cả nước đang từng bước thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi khẳng định, giải báo chí “Vì sức khỏe nhân dân” là một hoạt động thiết thực nhằm tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí với ngành y tế, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được Đảng, Chính phủ giao nhiệm vụ tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện 2 Nghị quyết.
Các cơ quan báo chí chính là thành phần quan trọng trong thực thi các nhiệm vụ tuyên truyền, truyền thông đến người dân và toàn xã hội về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Chính phủ về công tác y tế, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đang đứng trước những thách thức vô cùng khó khăn, gian khổ. Báo chí truyền thông hơn bao giờ hết phải cùng chung tay, thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ để truyền thông vận động người dân chủ động, tích cực cùng tham gia, biết cách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, giữ an toàn cho chính bản thân mình, góp phần bảo vệ cho cả cộng đồng, dân tộc.
Bên cạnh đó, báo chí cần tăng cường truyền thông về các mô hình hiệu quả, các hoạt động thiết thực, các cá nhân, tập thể đi đầu trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.