Đây là cuộc thi do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp một số Ban Đảng Trung ương và bộ liên quan chỉ đạo; Báo Lao Động phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam trực tiếp tổ chức thực hiện.
Phát biểu ý kiến tại lễ phát động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đánh giá cao sáng kiến tổ chức Cuộc thi của Báo Lao Động.
Theo đồng chí Ngọ Duy Hiểu, trong nhiều năm qua, mảng đề tài văn học viết về người lao động, công nhân, công đoàn, nhất là những người lao động di cư làm việc tại các khu công nghiệp, cuộc sống người lao động trước tác động của dịch Covid-19… còn rất thiếu.
Cùng với việc thúc đẩy phong trào sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn, việc tổ chức Cuộc thi còn góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, là hoạt động thiết thực, cụ thể nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, triển khai tinh thần, nhiệm vụ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Tại lễ phát động, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết: Đây là Cuộc thi rất cần thiết. Triển vọng thu hút sự quan tâm của người viết, tạo dòng chảy mạnh trong văn học Việt Nam mà ở đó người lao động, công nhân, nhất là ở lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và tổ chức Công đoàn sẽ là nhân vật văn học có vị trí trung tâm.
Cuộc thi diễn ra trong hai năm. Thời hạn nhận bài từ tháng 11/2021 đến hết tháng 8/2023. Lễ tổng kết và trao giải dự kiến vào quý IV/2023 - dịp Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Tác phẩm tham dự Cuộc thi bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn và sẽ được lựa chọn đăng tải trên các ấn phẩm của Báo Lao Động và Hội Nhà văn Việt Nam. Tổng giải thưởng chính thức của Cuộc thi lên tới khoảng 2,5 tỷ đồng, chủ yếu sẽ được xã hội hóa. Ngoài ra, ban tổ chức sẽ trao một số giải chuyên đề khác.