Pháp nỗ lực bảo đảm an ninh

Trong bối cảnh lo ngại xảy ra bạo lực trong cuộc tổng đình công và biểu tình phản đối kế hoạch cải cách lương hưu, Bộ Nội vụ Pháp đã triển khai 12.000 cảnh sát trên cả nước, trong đó 5.000 cảnh sát ở thủ đô Paris.
0:00 / 0:00
0:00
Biểu tình tại Pháp. Ảnh: Reuters
Biểu tình tại Pháp. Ảnh: Reuters

Bộ Nội vụ Pháp cho biết, hơn 1 triệu người đã tham gia các cuộc biểu tình trên khắp đất nước trong ngày 23/3 để phản đối dự luật cải cách chế độ hưu trí của chính phủ. Trong khi đó, nghiệp đoàn lớn nhất Pháp CGT cho biết, tham gia các cuộc biểu tình trên toàn quốc này có khoảng 3,5 triệu người.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin, trong khi hầu hết các cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình, ở một số nơi vẫn có hiện tượng người biểu tình quá khích và đụng độ với lực lượng cảnh sát khiến 123 nhân viên an ninh bị thương. Cảnh sát cũng đã bắt giữ 80 người. Thủ tướng Elisabeth Borne cho rằng, những hành động bạo lực và phá hoại trong các cuộc biểu tình là “không thể chấp nhận được”.

Do các cuộc đình công, nhiều di tích lịch sử đã phải đóng cửa trong ngày 23/3, trong đó có Cung điện Versailles và Tháp Eiffel. Trong khi đó, công ty đường sắt quốc gia Pháp SNCF và các cơ quan hàng không nước này tuyên bố kéo dài cuộc đình công làm gián đoạn giao thông đường sắt và đường không. Các công nhân dọn vệ sinh tại Paris cũng kéo dài cuộc đình công đến ngày 27/3 tới, trong khi khoảng 9.500 tấn rác thải vẫn đang chất đống tại thủ đô.

Đây là cuộc tổng đình công và biểu tình trên toàn quốc thứ 9 kể từ khi Thủ tướng Elisabeth Borne hồi tuần trước kích hoạt một điều khoản đặc biệt trong Hiến pháp, theo đó cho phép thông qua dự luật tại Hạ viện mà không cần các nghị sĩ bỏ phiếu.

Không những vậy, các tổ chức công đoàn của Pháp đã tiếp tục kêu gọi tiến hành ngày tổng đình công và biểu tình mới trên cả nước vào ngày 28/3 tới để phản đối kế hoạch cải cách chế độ hưu trí của Chính phủ Pháp. Đây là cuộc tổng đình công và biểu tình trên toàn quốc thứ 9 kể từ khi Thủ tướng Elisabeth Borne hồi tuần trước kích hoạt một điều khoản đặc biệt trong Hiến pháp, theo đó cho phép thông qua dự luật tại Hạ viện mà không cần các nghị sĩ bỏ phiếu.

Bất chấp các ý kiến phản đối dẫn tới các cuộc biểu tình và đình công liên tiếp trong thời gian gần đây, Tổng thống Emmanuel Macron ngày 22/3 tuyên bố luật cải cách chế độ hưu trí sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay. Theo luật này, tuổi nghỉ hưu được nâng từ 62 tuổi lên 64 tuổi vào năm 2030 và áp dụng một cơ chế lương hưu tối thiểu. Bên cạnh đó, từ năm 2027, người lao động sẽ phải làm việc ít nhất 43 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu đầy đủ.