Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Vụ trưởng Pháp chế, Bộ NN-PTNT, chia sẻ về câu chuyện xây dựng pháp luật trong nông nghiệp: “chúng tôi luôn hướng đến mục tiêu quản lý nông nghiệp theo hướng hiện đại và theo chuỗi, mong muốn để người dân có thể tiếp cận với hệ thống pháp luật một cách thuận lợi nhất”.
Pháp luật cần mang hơi thở của người nông dân
Tốt nghiệp Trường đại học Luật Hà Nội và trải qua hơn 23 năm gắn bó với ngành nông nghiệp, tham gia xây dựng và tham mưu tổ chức thực hiện cả 10 luật về nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Kim Anh chỉ rõ, một trong những “điểm nghẽn” trong sản xuất nông nghiệp là thiếu “sự kết nối”. Kết nối ở đây là làm sao để người dân tiếp cận được với khoa học kỹ thuật, với doanh nghiệp, với thị trường... để gắn kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, làm tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người nông dân, đúng với công sức mà họ bỏ ra.
Thực tế thời gian qua, nhà nước và ngành nông nghiệp đã có nhiều chính sách, quy định về vấn đề này nhưng giá trị giữa sản phẩm của người nông dân làm ra cho đến khi tới tay người tiêu dùng vẫn còn một khoảng rất xa, tốn nhiều chi phí ở khâu trung gian, bởi thiếu sự kết nối. Chính vì vậy, bà Nguyễn Thị Kim Anh mong muốn bên cạnh các quy định pháp luật đã có, cần tiếp tục rà soát, đánh giá, tổ chức thực thi văn bản để bảo đảm hiệu quả, thu nhập của nông dân được tăng lên.
Thứ hai, là vấn đề nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ... chúng ta đã có quy định nhưng các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ở một số nơi, một số chỗ vẫn chưa được ưu tiên.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách thu hút các doanh nghiệp có tâm, có năng lực làm “đầu tàu” giúp các địa phương phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo chuỗi, phát triển nông nghiệp hữu cơ, gắn du lịch sinh thái để từ đó người dân nâng cao được hiệu quả kinh doanh, mà vẫn giữ được bản sắc, cảnh quan, môi trường.
Trên thực tế, việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để trình, ban hành phù hợp thực tiễn trong nước cũng như các quy định quốc tế chưa bao giờ là công việc dễ dàng. Tuy nhiên, việc tổ chức thực thi các văn bản quy phạm pháp luật đó, để luật thực sự đi vào cuộc sống còn khó khăn gấp nhiều lần.
Do đó, bà Nguyễn Thị Kim Anh cho rằng, hoạt động giám sát tổ chức thực hiện các văn bản luật đóng vai trò hết sức quan trọng, cần thực sự được quan tâm, để kiểm chứng, đánh giá lại qua quá trình xây dựng, ban hành văn bản luật thì khi đưa vào thực tiễn cuộc sống có phù hợp không. Đặc biệt là các văn bản luật liên quan nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thí dụ như các luật về nông nghiệp, khoa học công nghệ, môi trường, đất đai, tài nguyên...
Khi người nông dân là trung tâm
Trong các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước luôn coi trọng và quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Công tác xây dựng và tuyên truyền pháp luật luôn đặt người nông dân vào trung tâm.
Bộ NN-PTNT đã phân công một đồng chí thứ trưởng phụ trách công tác này để chỉ đạo tổ chức triển khai việc phổ biến, giáo dục pháp luật tại bộ. Theo đó, ngay sau khi văn bản được ban hành, các nhà làm luật cũng như các cấp quản lý, thực thi pháp luật đã nỗ lực để đưa pháp luật vào cuộc sống của người nông dân và thực tế sản xuất nông nghiệp, nông thôn bằng nhiều biện pháp, cách thức sinh động khác nhau như: tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật, xây dựng các tiểu phẩm và sổ tay hỏi đáp pháp luật, sân khấu hóa...; đã bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, tuyên truyền pháp luật, đồng thời coi trọng phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho từng đối tượng, địa bàn đặc thù, như: ngư dân trên biển, nông dân, diêm dân, đồng bào dân tộc thiểu số…
Quan tâm kiện toàn và từng bước nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở T.Ư và địa phương. Bà Nguyễn Thị Kim Anh đánh giá cao sự tham gia, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đã đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người nông dân thông qua việc hướng dẫn cách thức sử dụng vật tư nông nghiệp, quy trình trồng trọt, chăm sóc vật nuôi,...
Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng người dân vi phạm pháp luật về sử dụng hóa chất, chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật… sai quy định trong sản xuất nông nghiệp.
Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nông nghiệp, như: nhận thức của một số cơ quan, tổ chức về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn chưa đầy đủ, toàn diện, sâu sắc; hoạt động, nội dung, hình thức phổ biến nhiều khi còn dàn trải, chưa thường xuyên, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa sát với nhu cầu thực sự của người nông dân; hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin ….
Để khắc phục tình trạng này, bà Nguyễn Thị Kim Anh cho rằng, chúng ta cần coi hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật là việc làm thường xuyên, trách nhiệm không phải của riêng ai, mà của các cấp, các ngành, của người dân, doanh nghiệp trong cả chuỗi sản xuất. Thường xuyên đổi mới phương thức, cách thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật phù hợp với từng đối tượng.
Có kế hoạch kiểm tra, thanh tra, kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về nông nghiệp... Có như vậy, pháp luật mới thẩm thấu, đi sâu vào đời sống của người dân, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, từ đó giúp người dân hiểu, thực thi đúng pháp luật.
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của chúng ta đang hướng theo chuỗi giá trị, sản xuất an toàn, sản xuất nông nghiệp sạch, bảo đảm sức khỏe cho con người. Hệ thống pháp luật của ngành nông nghiệp đã được hoàn thiện theo định hướng và mục tiêu trên với 10 luật đang có hiệu lực điều chỉnh các lĩnh vực của ngành nông nghiệp.
Hiệu lực quản lý nhà nước về nông nghiệp không chỉ phụ thuộc vào thể chế pháp luật (các quy phạm pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp), vào hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước các cấp từ trung ương đến địa phương, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật về nông nghiệp của các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, doanh nghiệp, người sản xuất và nông dân. Vì vậy, để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp cần thiết phải xây dựng và nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn xã hội trong tất cả các khâu của chuỗi sản xuất, cung ứng này.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh nhấn mạnh: “Chúng tôi dành sự quan tâm đến người nông dân trong chuỗi sản xuất, bởi họ chính là trung tâm góp phần tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng. Do đó, họ cần được chia sẻ nhiều hơn trong công tác tuyên truyền, phổ biến về quy trình sản xuất, về quyền và lợi ích hợp pháp của họ, ... từ đó, giúp họ nâng cao thu nhập, có trách nhiệm hơn với bản thân, với cộng đồng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình”.
Với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp thực sự an toàn, phát triển bền vững thì bên cạnh việc ban hành chính sách pháp luật, rất cần thiết phải chú trọng công tác nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, vị chuyên gia về pháp luật nông nghiệp đề xuất thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau đây:
Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật của ngành nông nghiệp, đáp ứng mục tiêu sản xuất nông nghiệp an toàn và phát triển bền vững.
Đến nay, các lĩnh vực của ngành nông nghiệp đã được điều chỉnh đầy đủ với 10 đạo luật. Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế - xã hội không ngừng thay đổi và ngày càng hội nhập, đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên tổ chức công tác rà soát, hệ thống hoá pháp luật và tổng kết kinh nghiệm xây dựng để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về nông nghiệp. Theo đó, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục rà soát, đánh giá việc thực thi những Luật đã được ban hành cách đây 7-8 năm như Luật Thú y, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, cũng như các luật, văn bản dưới luật vừa được ban hành, từ đó phát hiện những vấn đề không còn phù hợp thực tế, nếu thấy cần thiết thì có thể đề xuất sửa đổi, bổ sung để hệ thống pháp luật về nông nghiệp ngày càng hoàn thiện hơn.
Hai là, tổ chức thực hiện tốt, có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó giúp người dân hiểu, tuân thủ pháp luật.
Với đặc thù của ngành nông nghiệp, các hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người sản xuất, bà con nông dân cũng cần đa dạng, dễ tiếp cận, dễ hiểu, như: tuyên truyền thông qua hệ thống đài phát thanh của thôn, bản, xã, phường, thị trấn; treo pano, áp phích, tranh cổ động, các tiểu phẩm hài phát trên kênh truyền hình; các cuộc thi bằng hình thức sân khấu hóa…
Ba là, tổ chức thực hiện và áp dụng pháp luật hiệu quả. Để pháp luật về nông nghiệp nhanh đi vào cuộc sống, ngoài những nhiệm vụ trọng tâm như: ban hành đầy đủ và kịp thời văn bản quy định chi tiết các luật; tuyên truyền, phổ biến; cần nỗ lực thực hiện những nhiệm vụ khác, như: nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật; xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật bảo đảm người dân tiếp cận hệ thống pháp luật về nông nghiệp được thuận tiện, dễ dàng; trả lời kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện văn bản; tạo điều kiện để người dân tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về nông nghiệp; đẩy mạnh công tác kiểm tra đối với việc tổ chức thực hiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân…
Với vòng tuần hoàn, từ xây dựng, hoàn thiện thể chế, đến tuyên truyền phổ biến pháp luật, đánh giá việc thực thi pháp luật và nếu cần thiết sẽ tiếp tục đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật đảm bảo phù hợp thực tiễn trong nước, cũng như hội nhập quốc tế, đấy chính là nhiệm vụ của công tác pháp chế ngành Nông nghiệp hướng tới mục tiêu chung là xây dựng nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh.