Theo báo Le Figaro, Cơ quan ASN đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF), vận hành các nhà máy hạt nhân, chịu trách nhiệm bảo đảm, nâng cấp độ an toàn cho các lò phản ứng hạt nhân, phần lớn được đưa vào hoạt động từ những năm 1980.
ASN cho rằng, tất cả các biện pháp do EDF lên kế hoạch và những quy định của ASN đều mở ra triển vọng tiếp tục hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân tăng thêm mười năm.
Trong văn bản, ASN đã đưa ra các điều kiện để các lò phản ứng hạt nhân có thể hoạt động sau khi “đánh giá định kỳ” lần thứ tư diễn ra 10 năm một lần, tức đến cuối những năm 2020 hoặc 2030, tùy thuộc vào ngày đưa vào vận hành của các lò phản ứng hạt nhân, cũng như các biện pháp bổ sung mà cơ quan này cho là cần thiết.
Ông Julien Collet, Phó Tổng giám đốc ASN cho biết, mục tiêu đầu tiên là giảm thiểu hậu quả của các vụ tai nạn, và đặc biệt là các vụ tai nạn nghiêm trọng, với sự cố như chảy lõi của lò phản ứng. Các biện pháp đặc biệt được lên kế hoạch để trong trường hợp xảy ra tai nạn phóng xạ vẫn giới hạn bên trong vỏ bọc.
Thứ hai là các biện pháp liên quan việc tăng cường đề phòng các cuộc tấn công có khả năng xảy ra tại các cơ sở này và các tác động từ bên ngoài như: động đất, lũ lụt..., tác động từ bên trong như sự cố, hỏa hoạn... và cuối cùng là gia cố bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng.
Hiện tổng sản lượng điện hạt nhân của Pháp chiếm khoảng 70%, mức cao nhất thế giới. Pháp cũng đặt mục tiêu giảm sản lượng xuống 50% vào năm 2035 đồng thời đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo.
Năm ngoái, Pháp đã cho đóng cửa nhà máy hạt nhân lâu đời nhất ở Fessenheim, sát biên giới với Đức, được đưa vào hoạt động từ năm 1977. Chính phủ Pháp cũng lên kế hoạch đóng cửa thêm 12 lò phản ứng hạt nhân khác.
Hiện Pháp xếp thứ hai thế giới với 58 lò phản ứng hạt nhân, còn Mỹ đứng đầu với 99 lò.