Tổng thống Pháp ký ban hành Luật cải cách hưu trí

NDO - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa ký ban hành Luật cải cách hưu trí, trong đó, có phần quan trọng nhất là tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64. Đây là điều khoản gây tranh cãi và vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các đảng phái đối lập và người lao động suốt 3 tháng qua.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Pháp ký ban hành Luật cải cách hưu trí chỉ vài giờ sau khi có phán quyết của Hội đồng Hiến pháp. Ảnh: France Bleu.
Tổng thống Pháp ký ban hành Luật cải cách hưu trí chỉ vài giờ sau khi có phán quyết của Hội đồng Hiến pháp. Ảnh: France Bleu.

Trước đó, vào hồi 18 giờ ngày 14/4, Hội đồng Hiến pháp của Pháp đã phê chuẩn các phần chính trong dự luật sau khi đánh giá việc tăng tuổi này phù hợp với luật pháp hiện hành tại Pháp.

Hội đồng Hiến pháp bác bỏ 6 biện pháp không được coi là cơ bản đối với bản chất của cải cách, bao gồm nỗ lực buộc các công ty lớn công bố dữ liệu về số lượng người trên 55 tuổi mà họ tuyển dụng và kế hoạch tạo ra một hợp đồng đặc biệt cho những người lao động trên 60 tuổi.

Hội đồng Hiến pháp cũng bác bỏ yêu cầu của phe cánh tả về việc tổ chức trưng cầu ý dân đối với kế hoạch cải cách này, giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu là 62.

Quyết định của Hội đồng Hiến pháp là "cửa ải" cuối cùng để Tổng thống Emmanuel Macron ký ban hành luật này và thực thi trước cuối năm nay.

Chính phủ Pháp muốn đẩy nhanh kế hoạch cải cách hưu trí nhằm cân bằng ngân sách, cho rằng đây là biện pháp cần thiết để bảo đảm an sinh cho các thế hệ sau này khi dân số già đi.

Ngay sau khi Hội đồng Hiến pháp ra phán quyết và Tổng thống ký ban hành luật này, các đảng phái đối lập cũng như các nghiệp đoàn đã kịch liệt phản đối, cho rằng quyền lợi của người lao động không được coi trọng trong bối cảnh lạm phát tăng cao.

Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp nước Pháp. Tại một số nơi đã xảy ra xô xát giữa cảnh sát và người biểu tình. Theo tờ Le Parisien, ở Paris, cảnh sát đã phải dùng hơi cay để giải tán biểu tình và tạm giữ 150 người.

Ngày 15/4, Bộ trưởng Chuyển đổi số và Dịch vụ công Stanislas Guérini cho rằng chính phủ muốn thực hiện kế hoạch từ năm 2017 ngay sau khi Tổng thống Emmanuel Macron đắc cử.

Theo ông, việc áp dụng luật này là cần thiết cho nước Pháp cân bằng ngân sách dù đa số người lao động phản đối. Thâm hụt của quỹ lương hưu tại Pháp được dự báo sẽ lên tới 13,5 tỷ euro vào năm 2030.

Lường trước khả năng không giành được đa số phiếu ủng hộ tại Quốc hội, ngày 16/3, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne thông báo quyết định áp dụng Điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua dự luật cải cách hưu trí mà mà không cần tiến hành bỏ phiếu tại Quốc hội.

Ngay từ tối 14/4, nhiều nghiệp đoàn đã thông báo quyết định không tham gia cuộc gặp vào ngày 18/4 với các đối tác xã hội do Tổng thống đề xuất, đồng thời kêu gọi tham gia tuần hành và biểu tình đồng loạt trên toàn quốc vào ngày Quốc tế Lao động 1/5 để phản đối cải cách hưu trí.

Các chuyên gia nhận định tình trạng bất ổn do biểu tình và đình công, kéo dài từ đầu tháng 1/2023 khi Chính phủ Pháp thông báo kế hoạch cải cách hưu trí, có thể gây ra những hậu quả lâu dài đối với an ninh, xã hội và kinh tế của nước Pháp.