Pháp đối mặt làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19

NDO -

Ngày 12-10, Thủ tướng Pháp Jean Castex nói rằng làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 đang tràn tới rất mạnh, vì vậy phải có thêm biện pháp ứng phó nhằm ngăn chặn kịp thời sự lây lan, kể cả việc "phong tỏa" theo khu vực. 

Xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 ở Paris. (Ảnh: Le Parisien)
Xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 ở Paris. (Ảnh: Le Parisien)

Tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus corna ở Pháp hiện đã lên tới 11,8%. Trong 24 giờ qua có thêm 95 ca tử vong, mức rất cao trong khu vực EU, 8.505 ca nhiễm mới và 55 ổ dịch mới. Cũng từ ngày 12-10, có thêm hai thành phố được đặt trong tình trạng "báo động tối đa," nâng tổng số lên tám thành phố chỉ trong vòng ba tuần qua. 

Tại vùng thủ đô Ile-de-France, tỷ lệ lây nhiễm tăng rất nhanh và đã lên tới 414 ca nhiễm/100 nghìn dân ở Paris. Hiện có hơn 2.700 bệnh nhân đang được điều trị trong các bệnh viện ở Paris trong đó có 470 ca hồi sức cấp cứu. 

Sức ép đối với các bệnh viện ở vùng thủ đô tăng liên tục khi 42% số giường hồi sức cấp cứu đã được sử dụng để cứu chữa bệnh nhân Covid-19. Ngày 12-10, Cơ quan y tế vùng đã cảnh báo về tỷ lệ mắc bệnh được ghi nhận ở những người từ 20 tuổi, vượt quá 800 trường hợp/100 nghìn dân so với 505 trường hợp của tuần trước. Xu hướng này dự báo khả năng có thêm nhiều người nhập việc trong những ngày tới. 

Sau nhiều ngày ghi nhận hàng chục nghìn và kỷ lục là gần 27 nghìn ca nhiễm mới, Thủ tướng Pháp đã xác nhận lần đầu tiên rằng nước Pháp đang đối mặt làn sóng thứ 2 của dịch bệnh. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thủ tướng Pháp đưa ra đánh giá rất đáng lo ngại rằng cuộc khủng hoảng dịch tễ này sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng.

Chính phủ Pháp vẫn loại trừ khả năng tái phong tỏa toàn quốc để tránh hậu quả nghiêm trọng cho các hoạt động kinh tế, nhưng sẽ sớm xem xét việc phong tỏa theo vùng hay khu vực. 

Thủ tướng Pháp kêu gọi người dân hạn chế tối đa việc tụ tập ở không gian công cộng và ở nhà riêng nhằm tránh lặp lại sự chủ quan như trong kỳ nghỉ hè vừa qua khi nhiều người cho rằng dịch đã rút dần.

Thủ tướng Jean Castex nói: Nếu không hành động quyết liệt, nước Pháp có thể rơi vào tình huống gần như hồi đầu năm và dẫn tới việc phong tỏa toàn quốc. Nếu trong hai tuần tới, các chỉ số về dịch bệnh trong đó có tỷ lệ giường hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19 tăng nhanh hơn dự báo, một số biện pháp nghiêm ngặt khác sẽ triển khai ngay. 

Liên tục trong hai tuần qua, các chuyên gia y tế Pháp đã đưa ra lời cảnh báo rằng làn sóng dịch thứ 2 đang tràn đến nhanh hơn dự báo. Các bệnh viện ở Pháp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với đợt dịch trước sau nhiều tháng căng sức chữa trị bệnh nhân, nhất là việc huy động nhân lực. 

Ngày 12-10, lần đầu tiên kể từ cuối tháng 5, số bệnh nhân tại các khu hồi sức cấp cứu trên toàn nước Pháp đã vượt quá 1.500. Dù chỉ bằng 1/5 so với đợt cao điểm vào đầu tháng 4, số bệnh nhân nặng hiện đã cao hơn bốn lần so với cuối tháng 7, chỉ có 371 ca.

Vấn đề đáng lo ngại trong đợt dịch thứ hai là số người nhập viện vào mùa thu thường cao hơn nhiều so với mùa xuân, do đó có thể dẫn tới nguy cơ quá tải nghiêm trọng đối với các bệnh viện. 

Chính phủ Pháp cũng cho biết một phiên bản mới của ứng dụng phát hiện và cảnh báo nguy cơ tiếp xúc người nhiễm Covid-19 (StopCovid) sẽ được công bố vào ngày 22-10 tới đây. Phiên bản hiện nay chỉ được hơn 2,6 triệu người tải về kể từ đầu tháng 6-2020, thấp hơn rất nhiều so với các nước chung quanh như Đức (18 triệu) và Anh (16 triệu lượt tải về).

Dự kiến vào ngày 14-10, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ chủ trị cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng để xem xét tình hình dịch bệnh, cũng như các biện pháp mới nhằm ngăn chặn làn sóng dịch thứ 2 bùng phát trên toàn quốc.

Tối cùng ngày, người đứng đầu nước Pháp sẽ có bài phát biểu được phát trực tiếp trên truyền hình. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một số biện pháp mạnh có thể được ban hành trong những ngày tới, nhất là ở những khu vực "báo động tối đa" như vùng thủ đô. 

Dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường