Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 96% doanh nghiệp hoạt động trở lại tại các khu chế xuất, khu công nghiệp; 100% doanh nghiệp tại khu công nghệ cao hoạt động trở lại; hơn 90% các doanh nghiệp ngoài các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao cũng đã hoạt động lại.
Thông tin tại cuộc họp, đại diện Sở Công thương thành phố cho biết, hiện nay, lượng hàng hóa về thành phố khoảng 8.000 tấn/ngày; riêng 2 chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền và trạm trung chuyển ở chợ Thủ Đức đạt 3.000 tấn/ngày. Toàn thành phố đã có 167 trong số 234 chợ truyền thống hoạt động trở lại. Dự kiến từ nay đến cuối tuần, sẽ có thêm 4 chợ truyền thống nữa hoạt động lại.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Lâm cho biết, gần đây, lực lượng lao động tại Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đã quay về thành phố và các tỉnh lân cận làm việc. Cụ thể, có khoảng hơn 400 lao động từ khu vực Tây Nguyên, 14.600 lao động ở khu vực Tây Nam Bộ trở lại thành phố để làm việc.
Để thu hút người lao động quay lại làm việc, thành phố có nhiều giải pháp như tạo điều kiện thuận lợi về di chuyển, có chủ trương tiêm phòng cho người dân chưa tiêm vaccine mũi 1 quay lại thành phố làm việc, thường xuyên kết nối cung - cầu lao động với các doanh nghiệp, động viên doanh nghiệp chủ động vận động người lao động tại doanh nghiệp quay lại làm việc với nhiều chính sách ưu đãi.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi ở thành phố đã thành công. Thành phố có 701.820 trẻ trong độ tuổi được tiêm vaccine, nhưng số trẻ đồng ý tiêm là 685.449 (đạt 94,8%). Số trẻ thật sự được tiêm là 651.468 em (đạt 92,8%). Hầu hết các trẻ chỉ có phản ứng nhẹ sau khi tiêm và không có trẻ phản ứng nặng.
Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở Y tế thành phố, HCDC phối hợp chặt chẽ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện, TP Thủ Đức theo dõi chặt chẽ các trường hợp F0 điều trị tại nhà. HCDC đã gửi các đội đặc nhiệm xuống các quận, huyện nhằm phối hợp địa phương phát hiện các ổ dịch, làm xét nghiệm test nhanh để kịp thời cách ly, ngăn chặn sự gia tăng của các ổ dịch. “Quan trọng hơn hết, đội đặc nhiệm có nhiệm vụ theo dõi các trường hợp chuyển bệnh nặng và những trường hợp tử vong”, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhấn mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết thêm, trong thời gian vừa qua, Sở Y tế có ghi nhận một số quận, huyện có số ca F0 tăng lên cùng với việc lực lượng quân y rút đi nên xảy ra trường hợp quá tải cục bộ tại một số quận, huyện. Trước tình hình đó, Sở Y tế đã điều động các đội y tế lưu động do các quận, huyện phân công, phụ trách từng khu vực xuống tăng cường hỗ trợ cho trạm y tế địa phương, quản lý tốt hơn các bệnh nhân F0, kịp thời phát thuốc cho những bệnh nhân này, đồng thời phát hiện trường hợp chuyển nặng để chuyển về bệnh viện.
Qua phân tích, trong 2 ngày vừa qua, bên cạnh số ca tử vong ở thành phố cũng có một số ca tử vong do bệnh nhân nặng từ các tỉnh chuyển lên thành phố điều trị. Phân tích sâu hơn 38 ca tử vong trong hôm nay, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, trong số đó có 34 trường hợp có bệnh nền. Số ca tử vong từ 18 - 50 tuổi là 2 trường hợp, 51- 65 tuổi là 15 trường hợp, số ca trên 65 tuổi là 21 trường hợp. Như vậy, số ca tử vong tập trung chủ yếu vào người lớn tuổi và người có bệnh nền.
Phân tích tiền sử tiêm vaccine, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, trong 38 ca tử vong, có 20 trường hợp chưa tiêm (12 trường hợp trên 65 tuổi có bệnh nền, nằm liệt một chỗ nhiều năm nay); tiêm 1 mũi có 2 trường hợp; 10 trường hợp đã tiêm mũi 2 có bệnh nền và trên 50 tuổi.