Phần Lan không có ý định triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ

Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto ngày 8/1 tuyên bố, vũ khí hạt nhân sẽ không được triển khai trên lãnh thổ nước này ngay cả sau khi gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto (trái) trao đổi với Ngoại trưởng các nước Phần Lan Pekka Haavisto (giữa) và Thuỵ Điển Tobias Billstrom tại Hội nghị hội đồng Bộ trưởng Liên minh châu Âu ở Brussels, Bỉ ngày 12/12/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto (trái) trao đổi với Ngoại trưởng các nước Phần Lan Pekka Haavisto (giữa) và Thuỵ Điển Tobias Billstrom tại Hội nghị hội đồng Bộ trưởng Liên minh châu Âu ở Brussels, Bỉ ngày 12/12/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoại trưởng Haavisto nhấn mạnh: “Phần Lan không đưa ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào khi đăng ký làm thành viên (NATO) vì không muốn thu hẹp phạm vi hoạt động của mình. Nhưng rõ ràng vũ khí hạt nhân sẽ không hiện diện trên đất Phần Lan ngay cả sau khi hoàn thành tư cách thành viên (NATO)”.

Vài ngày trước, Ngoại trưởng Haavisto tuyên bố rằng Phần Lan không yêu cầu vũ khí hạt nhân từ các nước NATO và không quan tâm đến việc đặt chúng trên lãnh thổ của mình.

Ông nhấn mạnh hiện còn quá sớm để đưa ra kế hoạch hoạt động huấn luyện của quân đội Phần Lan và sự tham gia của quân đội nước này trong các hoạt động quốc tế sau khi gia nhập NATO.

Tuy nhiên, Phần Lan sẽ tham gia tích cực hơn trong khuôn khổ các sáng kiến quốc tế sau khi gia nhập liên minh quân sự này.

Đầu tháng 7/2022, các Ngoại trưởng Phần Lan và Thụy Điển cùng Đại sứ của 30 quốc gia thành viên NATO đã ký nghị định thư về việc kết nạp 2 quốc gia Bắc Âu này vào NATO.

Ngày 5/12/2022, Chính phủ Phần Lan đã đệ trình lên Quốc hội nước này dự luật về tư cách thành viên NATO. Phần Lan và Thụy Điển sẽ gia nhập NATO sau khi được tất cả các quốc gia thành viên phê chuẩn nhiều thủ tục.

Về phía Thụy Điển, Thủ tướng nước này Ulf Kristersson ngày 8/1 tuyên bố, Thụy Điển sẽ tham gia "Sáng kiến Lá chắn bầu trời châu Âu" (ESSI) và tham gia kiểm soát trên không ở vùng Baltic.

Theo Đài truyền hình Thụy Điển (SVT), phát biểu tại hội nghị về chính sách an ninh quốc phòng thường niên ở vùng Salen, cách thủ đô Stockholm khoảng 430km về phía tây bắc, Thủ tướng Ulf Kristersson cho biết thêm, Thụy Điển cũng chuẩn bị tham gia hoạt động kiểm soát trên không ở Biển Đen và Iceland.

ESSI do Đức dẫn đầu, được ra mắt tại hội nghị các bộ trưởng quốc phòng NATO hồi tháng 10/2022, nhằm mục đích tạo ra một hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa của châu Âu.

Để thực hiện sáng kiến này, các quốc gia châu Âu sẽ mua chung thiết bị phòng không và tên lửa, đồng thời củng cố lực lượng phòng không và phòng thủ tích hợp của NATO.