Những người biểu tình tập trung tại các khu vực tòa án liên bang ở Niu-Oóc, Mi-a-mi, Chi-ca-gô, Lốt An-giơ-lét và nhiều thành phố khác đòi "công lý cho Mác-tin" và chấm dứt phán xét mang tính phân biệt chủng tộc mà họ cho là nguyên nhân chính của vụ việc. Trước đó, ngày 19-7, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã chia sẻ cảm thông và kêu gọi biểu tình một cách hòa bình và cho rằng bạo lực sẽ bôi nhọ những gì xảy ra với T.Mác-tin.
* Trong khi đó, Tòa án Giám sát tình báo đối ngoại, một tòa án bí mật ở Mỹ được thành lập từ năm 1978 sau vụ Oa-tơ-ghết đã gia hạn ba tháng đối với chương trình của chính phủ giám sát các cuộc điện thoại gây tranh cãi vừa bị cựu nhân viên an ninh Mỹ E.Xnâu-đơn tiết lộ. Văn phòng Giám đốc tình báo quốc gia (ODNI) xác nhận, đây là động thái chưa có tiền lệ. Chương trình này được gia hạn trong khi những thông tin Xnâu-đơn tiết lộ gây căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ với nhiều nước, cũng như khiến nhiều tổ chức chính trị và tôn giáo ở Mỹ đệ đơn kiện Nhà trắng về tính hợp pháp của việc theo dõi dữ liệu cuộc gọi và thư điện tử của công dân Mỹ.
* Thủ tướng Ðức A.Méc-ken tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ một thỏa thuận quốc tế nhằm bảo vệ dữ liệu điện tử, sau khi Xnâu-đơn tiết lộ về chương trình do thám của Mỹ. Trả lời phỏng vấn báo chí Ðức về khả năng có một thỏa thuận toàn cầu về an ninh thông tin cá nhân, có tính ràng buộc pháp lý theo kiểu Nghị định thư Ki-ô-tô, bà Méc-ken cho rằng, nếu truyền thông điện tử đặt ra những vấn đề mới trên phạm vi toàn cầu, các nước cần ký kết thỏa thuận mang tính toàn cầu.