Phấn đấu vận hành Tổ máy 1 Nhiệt điện Thái Bình 2 vào tháng 11/2022

NDO -

Sau hơn 8 năm chậm tiến độ vì thiếu hụt nguồn vốn đầu tư, nhiều cán bộ vướng vòng lao lý, hiện nay dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (nằm trên địa bàn xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đang vào giai đoạn nước rút để sớm đưa vào hoạt động cuối năm 2022.

Toàn cảnh Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Toàn cảnh Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Để cụ thể hóa các kết luận của lãnh đạo Chính phủ, tạo ra sự thay đổi quan trọng trong triển khai dự án có tổng mức đầu tư hơn 41.000 tỷ đồng, hiện nay bộ máy điều hành tại nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã được thay mới. 

Đích thân ông Phạm Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được giao kiêm nhiệm chức danh Trưởng Ban Quản lý dự án (thay thế ông Nguyễn Thành Hưởng) trực tiếp chỉ huy trên công trường với nhiều cơ chế, thẩm quyền đặc biệt.

Tập đoàn cũng tiến hành thay thế Tổng Giám đốc đơn vị tổng thầu; điều chuyển nhiều cán bộ có chuyên môn cao về tăng cường. Cùng với đó, ưu tiên nguồn lực, đẩy nhanh việc nhập khẩu vật tư, trang thiết bị, huy động nhân công triển khai thi công đồng loạt nhiều hạng mục trên công trường.

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng Ban Quản lý dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 cho biết: Hiện nay, tiến độ tổng thể của Dự án đạt hơn 86%, mục tiêu vận hành thương mại Tổ máy 1 vào ngày 30/11/2022 và Tổ máy 2 vào ngày 31/12/2022. Các mốc tiến độ có thể được rút ngắn hơn để tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư.

Cụ thể, các phương án giải quyết phần việc dở dang đã được làm rõ về phạm vi công việc và chi phí; có biện pháp cụ thể để cơ cấu lại, giao cho nhà thầu đủ năng lực thực hiện. Các phần việc chưa thực hiện được rà soát theo từng gói thầu cụ thể nhằm đánh giá đầy đủ hiện trạng, điều chỉnh lại phạm vi công việc để tối ưu về tiến độ và chi phí, tạo thuận lợi cao nhất trong triển khai.

Ông Lê Sơn Hoàn, đại diện Tổng Công ty lắp máy Việt Nam (LILAMA) cho hay, công ty đang huy động nhân lực tập trung thi công các hạng mục còn lại như nhà nghiền đá vôi, nhà thạch cao, hạng mục điện và cơ với khối lượng thi công khoảng 70 tỷ đồng. Công ty LILAMA 692 cũng đang thi công 3 kho chứa than, mỗi kho có diện tích khoảng 3.000 m2. 

Như vậy, phần việc hiện nay đã có khả năng thanh toán, không có vướng mắc. Tuy nhiên, theo ông Hoàn, phần nợ cũ với LILAMA khoảng 343 tỷ đồng, hiện nay Tập đoàn vẫn chưa có phương án giải quyết cụ thể. 

Theo kế hoạch, trên công trường nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 còn khoảng 30 hạng mục phải hoàn thiện. Do dự án đang đi vào giai đoạn quan trọng, nên lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thường xuyên trực tiếp kiểm tra, giao ban hằng tuần, nắm bắt tiến độ, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh để dự án bảo đảm các mốc tổng thể, phấn đấu sớm hoàn thiện và đưa nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào hoạt động.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 bao gồm 2 tổ máy, tổng công suất thiết kế 1.200 MW do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án là 41.799 tỷ đồng, thuộc danh mục các dự án nguồn điện cấp bách theo Quyết định 2414/QĐ-Ttg, ngày 11-12-2013, của Thủ tướng Chính phủ. Nhà máy sử dụng công nghệ lò hơi than phun trực tiếp, tuần hoàn tự nhiên, sử dụng than cám 5 (80% 5a Hòn Gai và 20% 5a Vàng Danh), lượng than tiêu thụ hàng năm khoảng 3 – 3,5 triệu tấn. Khi vận hành sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 6,7 tỷ kWh điện mỗi năm, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.