Tại thời điểm phê duyệt đề án phát triển thành quận, Đan Phượng đã đạt 20/27 tiêu chí. Đến nay, huyện đạt thêm hai tiêu chí là tỷ lệ lao động phi nông nghiệp và tỷ lệ đường đô thị được chiếu sáng, nhưng do cách tính mới, không tính giường bệnh tại trạm y tế và trung tâm y tế huyện, cho nên tiêu chí cơ sở y tế cấp đô thị chưa đạt. Vì thế, Đan Phượng còn sáu tiêu chí chưa đạt gồm: cân đối thu-chi ngân sách, mật độ đường giao thông đô thị, cơ sở y tế cấp đô thị, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật, đất cây xanh công cộng và tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị tính trên tổng số trục phố chính.
Đối với các tiêu chí của xã, thị trấn lên phường, dự kiến hết năm 2021, có năm xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, với các tiêu chí nông thôn mới gắn với tiêu chí đô thị, cơ bản đáp ứng tiêu chí phường. Theo đại diện UBND huyện Đan Phượng, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đề án là nguồn lực đầu tư xây dựng các tiêu chí cần nhiều, trong khi đó nguồn thu của huyện chưa đáp ứng được yêu cầu, quy hoạch vùng huyện (phía tây vành đai 4) chưa được xây dựng, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Ngân sách phục vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật gặp khó khăn do việc đấu giá quyền sử dụng đất chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Không chỉ đối với huyện Đan Phượng, nguồn lực để thực hiện đề án tại các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì và Gia Lâm cũng là khó khăn lớn trong bối cảnh hiện nay. Theo đánh giá của các huyện, một số dự án thuộc nhiệm vụ chi của thành phố để thực hiện đề án triển khai còn chậm. Nhiều dự án thuộc nhiệm vụ chi cấp thành phố để hoàn thành tiêu chí huyện lên quận đã được thành phố dự nguồn, dự kiến bố trí để thực hiện các dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn năm năm 2021-2025 của thành phố, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa đủ thủ tục để bố trí vốn.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển năm huyện thành quận, nguồn lực đầu tư trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố để thực hiện các đề án dự kiến là 13.105 tỷ đồng với 36 dự án. Ngoài ra, thành phố dự kiến đầu tư 44 dự án, với tổng mức đầu tư 11.468 tỷ đồng, đang hoàn thiện thủ tục để đủ điều kiện bố trí vốn. Về ngân sách cấp huyện, năm huyện dự kiến đầu tư 1.866 dự án, với kinh phí 69.763 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, thời gian qua, các huyện đã tích cực triển khai đề án, nhưng chưa thể hiện rõ nhiệm vụ, giải pháp và nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí chưa đạt. Để hoàn thành đề án, các huyện phải đạt được hai nhóm tiêu chí, gồm 27 tiêu chí để huyện thành quận và 15 tiêu chí xã thành phường. Đến nay, huyện Đan Phượng và huyện Đông Anh đạt 21/27 tiêu chí, huyện Hoài Đức đạt 22/27 tiêu chí, huyện Thanh Trì đạt 24/27 tiêu chí và huyện Gia Lâm đạt 25/27 tiêu chí. Đối với các tiêu chí xã thành phường, huyện Đan Phượng còn 16 xã chưa đạt tiêu chí, huyện Đông Anh còn 24 xã, huyện Gia Lâm còn 21 xã, huyện Hoài Đức 19 xã và huyện Thanh Trì còn 16 xã.
Mới đây, phát biểu tại hội nghị giữa Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển năm huyện thành quận với các địa phương, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu các huyện chủ động rà soát, nắm rõ các tiêu chí từ cấp huyện đến cấp xã để có lộ trình triển khai, giải pháp và danh mục dự án cấp huyện, cấp thành phố để xác định rõ đầu việc, gắn với trách nhiệm của từng đơn vị. Thành phố sẽ tập trung để huyện Gia Lâm hoàn thành hai tiêu chí còn lại trong năm 2023, bốn huyện còn lại ưu tiên tập trung nguồn lực vào các tiêu chí liên quan dân sinh, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu các huyện tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh, có giải pháp đột phá trong chính quyền số, kinh tế số, hạ tầng số, y tế thông minh… Các sở, ngành rà soát các dự án chậm triển khai, ưu tiên đầu tư các dự án để sớm hoàn thành các tiêu chí thành quận của năm huyện.