Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng kết vụ đông năm 2022 cho thấy, các địa phương phía bắc gieo trồng 373 nghìn ha, sản lượng khoảng 4,7 triệu tấn, giá trị đạt 36.794 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 99 triệu đồng/ha, tăng 3,4 triệu đồng/ha so vụ đông 2021.
Qua thống kê, vụ đông năm 2022, các địa phương đã có nhiều mô hình sản xuất tập trung trong sản xuất và tiêu thụ nông sản mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân.
Trong đó, tại tỉnh Hưng Yên có mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ thực hiện liên kết tiêu thụ với các nhà hàng, khách sạn và siêu thị ở thành phố Hà Nội cho hiệu quả kinh tế cao hơn so thâm canh truyền thống từ 25-30 triệu đồng/ha.
Hay như tại tỉnh Nam Định với mô hình trồng dưa, rau các loại công nghệ cao trong nhà màng theo hướng VietGAP ở xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, quy mô 7ha, sản lượng tiêu thụ 100 tấn/năm, lợi nhuận cao gấp 3-5 lần so phương thức sản xuất truyền thống.
Vụ đông năm 2023, các địa phương phía bắc dự kiến gieo trồng khoảng 380 nghìn ha, phấn đấu sản lượng 5 triệu tấn, giá trị đạt hơn 40 nghìn tỷ, bình quân đạt 110 triệu đồng/ha. Nhằm bảo đảm sản xuất vụ đông 2023 đạt kết quả tốt, các địa phương cần tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, liên kết sản xuất theo chuỗi, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, bảo đảm đầu ra cho bà con nông dân.
Tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để bảo đảm sản xuất vụ đông 2023 đạt kết quả tốt, các địa phương cần tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, liên kết sản xuất theo chuỗi, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, bảo đảm đầu ra cho bà con nông dân.
Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, kết nối cung cầu, tìm kiếm thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ hình thành những vùng sản xuất cây vụ đông lớn, tập trung và ổn định.