Phấn đấu cao nhất đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024

NDO -

Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, giữ vững bản lĩnh, kiên định mục tiêu, quan điểm lớn đã đề ra, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,5%. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phần kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương được tổ chức sáng 3/4, tại Trụ sở Chính phủ.

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, nhìn chung, tình hình kinh tế-xã hội tháng 3/2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực; kết quả tháng 3 tốt hơn tháng 1 và tháng 2; tính chung quý I hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023.

Về quan điểm chỉ đạo, điều hành thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và lãnh đạo chủ chốt; kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, giữ vững bản lĩnh, kiên định mục tiêu, quan điểm lớn đã đề ra, vận dụng linh hoạt, sáng tạo; phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, coi khó khăn, thách thức là động lực phấn đấu vươn lên; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân; nắm chắc diễn biến tình hình trong nước, quốc tế; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; kết hợp hài hòa, chặt chẽ các nguồn lực; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát; tăng cường đoàn kết, thống nhất; giữ gìn kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao năng lực phản ứng chính sách.

Đề cập nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng yêu cầu thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng 6,5%, cho đến nay thì vẫn thuận lợi, do đó phải củng cố nền tảng, quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu này với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm” và “5 đẩy mạnh”.

Theo đó tinh thần “5 quyết tâm” là: Quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để hoàn thành các mục tiêu yêu cầu đề ra của năm 2024; Quyết tâm thực hiện, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với phương châm “thắng không kiêu, bại không nản”; Quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đồng thời thúc đẩy phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm;

Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, cho doanh nghiệp và người dân, tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ;

Quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất thúc đẩy các động lực tăng trưởng, chống thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn; quyết tâm hoàn thành dự án Đường dây 500kV mạch 3 vào tháng 6/2024 và 2 đoạn tuyến cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt và Cam Lâm-Vĩnh Hảo vào 30/4 này.

Thực hiện tốt “5 Bảo đảm”: Bảo đảm thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Lãnh đạo chủ chốt, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững.

Bảo đảm phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động, bất động sản, vốn, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu, khoa học công nghệ, dữ liệu, tín chỉ carbon…, nâng hạng thị trường chứng khoán, những việc này cần có sự giám sát của người dân.

Bảo đảm đầy đủ điều kiện để triển khai chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024 vì đây là việc làm hết sức có ý nghĩa nhưng cũng hết sức khó khăn vì thang bảng lương cũng hết sức phức tạp. Bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hơn; bảo đảm cung ứng đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng lưu ý bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hơn; bảo đảm cung ứng đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế; giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống; tiếp tục có biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu; năng lực, hiệu quả hoạt động, sự ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng; chú trọng các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin tài chính, ngân hàng; giữ vững ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, phấn đấu tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi; chống thất thu thuế, tích cực ứng dụng chuyển đổi số, hoá đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh ăn uống, xăng dầu. Các bộ, ngành, địa phương cần tiết kiệm kinh phí để phục vụ chuyển đổi số; tạo chuyển biến rõ nét trong chuyển đổi số; khẩn trương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành quy định gia hạn thuế, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; ban hành theo thẩm quyền chính sách giảm phí, lệ phí năm 2024.

Thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Tăng cường quản lý giá cả, thị trường; kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng. Bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung thực hiện “5 đẩy mạnh”: Đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trên các lĩnh vực, trong đó tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.

Đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh,, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, trong đó, có hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, hội nhập quốc tế, trong đó chú ý cụ thể hóa các thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam với các nước, khai thác có hiệu quả các điều ước quốc tế, thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao với các nước, đối tác.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo từ Trung ương đến địa phương, đẩy mạnh khởi nghiệp.